Đừng 'vô tư' đốt rác dưới chân cột điện

Xã hội
03:11 PM 29/04/2021

Ở những thành phố lớn hay khu đông dân cư, chúng ta rất dễ để bắt gặp những đống rác được thu gom, xử lý và đốt ngay dưới đường dây điện, cột điện. Nhưng đằng sau những hành vi thiếu ý thức ấy là những hậu quả khôn lường mà ít ai dám nghĩ tới.

Đã có nhiều vụ cháy xảy ra

Đó là chia sẻ của ông Lê Tuấn Anh- Phó Phòng Kỹ thuật- An toàn, Công ty Điện lực Thanh Xuân khi nói về những nguy hiểm của việc đốt rác gần cột điện.

Đừng vô tư đốt rác dưới chân cột điện - Ảnh 1.

Vụ cháy do đốt rác ở đường Định Công

Ông cho biết: "Tôi còn nhớ, khoảng 12h đêm ngày 26/9/2019, nhận được tin của anh em trong ca trực hôm đó báo có vụ cháy tại một cột điện xảy ra tại khu vực 122 Định Công (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tôi vội vàng chạy đến hiện trường phối hợp cùng anh em công ty, đội PCCC của quận nhanh chóng dập tắt đám cháy và khắc phục sự cố.Nguyên nhân của đám cháy được xác định do người dân đã vứt xỉ than của bếp lò vào bãi rác lớn gần chân cột điện, ngọn lửa từ đống rác bốc lên, lan vào hộp điện, bốc cháy nghi ngút".

Đám cháy làm cháy 1 hòm có 3 công tơ điện khách hàng. Tuy không có thiệt hại lớn xảy ra nhưng đám cháy đã làm cả khu phố náo loạn, mất điện trong đêm.

"Vụ cháy nói trên nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến vụ cháy nổ lớn hơn và hậu quả sẽ khôn lường", ông Lê Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Một vụ việc tương tự xảy ra vào thời điểm, ngày 2/4/2019 tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk, người dân vô tư đốt rác bên lề đường ngay dưới đường dây điện. Ngọn lửa đã nhanh chóng lan rộng sang đống gỗ gần đó của người dân, rồi tiếp tục bốc cháy lên đường dây hạ thế phía trên. Vụ cháy lớn đã xảy ra gây mất điện toàn hệ thống của gần 200 hộ xung quanh.

Được biết, ngoài những hậu quả nêu trên việc đốt những đống rác gần chân, trụ điện ven đường khiến khói bụi bao trùm làm giảm tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, va quệt nhau xảy ra.

Nguy hiểm rình rập

Ghi nhận của PV trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tình trạng rác thải, phế liệu do một số hộ dân thiếu ý thức đổ, tập kết đã biến trụ, bốt điện trở thành bãi rác đang trở nên rất phổ biến và có chiều hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Long- Trưởng Ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Lưới điện cao áp, trụ điện, bốt điện luôn tiềm ẩn nguy hiểm rình rập đối với tính mạng con người khi lại gần. Chính phủ còn quy định rất rõ về khoảng cách an toàn đối với các trạm điện không có tường bao quanh. Ví dụ, với cấp điện áp 22 kV, khoảng cách là 2 m; điện áp 35 kV, khoảng cách là 3m…Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại…

Tuy nhiên phớt lờ những cảnh báo nguy hiểm đó, một số bộ phận người dân thiếu ý thức đã biến nhiều trụ điện, cột diện thành nơi đổ rác. Đổt rác ngay trong hành lang bảo vệ an toàn tại các trạm biến áp, trụ điện dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao nhất là vào thời điểm nắng nóng, hanh khô như hiện nay, các thiết bị điện sẽ càng dễ quá tải gây chập cháy. Hơn thế, những rác thải, phế liệu vốn là những vật liệu dễ cháy, đám cháy phát triển lớn dễ dẫn đến các sự cố chập điện ảnh hưởng đến tính mạng những người xung quanh, lớn hơn là hệ thống truyền tải điện sẽ bị gián đoạn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của địa phương.

Như lời của bà Nguyễn Thị Thu (Định Công, Hà Nội) thì hầu hếtbà con nhân dân quanh khu bà đang sống vẫn thường thu gom rác và xử lý ở những bãi đất trống hoặc dưới chân cột điện vì cứ nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho môi trường, giúp cảnh quan thêm sạch sẽ. Hơn nữa cũng giúp cho các cán bộ công nhân vệ sinh môi trường "đỡ vất vả" phải thu gom.

"Nếu nhận thức được những hiểm họa dẫn đến cháy nổ cao như vậy, chúng tôi sẽ không làm thế", bà Thu cho biết.

Nâng cao ý thức của người dân

Hiện nay, tại Nghị đinh của Chính phủ đã có quy định rất rõ việc xử phạt về hành chính đối với các hành vi vứt rác bừa bãi không đúng quy định, tuy nhiên sự việc vẫn chưa được giải quyết. Có rất nhiều bảng hiệu cảnh báo không được vứt rác bừa bãi để người dân biết thực hiện nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Đừng vô tư đốt rác dưới chân cột điện - Ảnh 2.

Một vụ cháy ở Việt Trì năm 2020

Theo ông Nguyễn Văn Long- Trưởng Ban an toàn EVN, ngoài việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để nêu gương, việc quan trọng nhất vẫn là nâng cao công tác tuyên truyền về ý thức của người dân. Các đơn vị chức năng cần phối hợp lồng ghép việc tuyên truyền ở các tổ dân phố, khu dân cư, tuyên truyền trong những trường học để cộng đồng người dân hiểu và chấp hành đúng những quy định của việc thu gom và xử lý rác thải.

"Các đơn vị chức năng phải nâng cao công tác xử lý và thu gom rác thải, xây dựng cơ sở vật chất để người dân có điều kiện thu gom rác đúng nơi quy định. Và những cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức cũng phải đi đầu làm gương trong vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo cảnh quan sống xanh- sạch- đẹp. Có thế, hiệu ứng lớn sẽ được lan tỏa, việc đốt rác dưới gần cột điện, đường dây điện, thu gom và đốt rác bừa bãi sẽ được hạn chế tối đa", ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.

Tác hại kép của việc đốt rác

Theo PGS.TS Vũ Thị Ánh Tuyết- Viện Khoa học công nghệ và Mội trường: Bụi và kim loại sinh ra trong quá trình đốt rác ngoài môi trường có thể gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm cho con người như hắt hơi, kích ứng mắt, họng, phổi, gây khó thở cho những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi; gây tắc nghẽn mãn tính các vấn đề về tim mạch… Đáng chú ý, bụi và kim loại sinh ra trong quá trình đốt rác có thể dẫn đến gây ung thư phổi và ung thư da.

Tại khoản 2, điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.