Đường mía Thái Lan chính thức bị áp thuế chống bán phá giá

Đầu tư và Tiếp thị
06:26 PM 16/06/2021

Bộ Công Thương vừa có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Ngày 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Quyết định này có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 16/6/2021.

Cụ thể, các loại mía đường nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%.

Đường mía Thái Lan chính thức bị áp thuế chống bán phá giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Quyết định này có thời hạn 5 năm, hiệu lực từ ngày 16/6.

Theo Bộ Công Thương, trước đó, kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra xác định một số sản phẩm mía đường Thái có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), UKVFTA…

Liên quan đến việc áp thuế đối với đường mía từ Thái Lan, ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Đường mía Thái Lan chính thức bị áp thuế chống bán phá giá - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đến ngày 12/5/2021, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương (Cơ quan điều tra) đã tổ chức buổi tham vấn công khai (dưới hình thức trực tuyến) liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Buổi tham vấn đã diễn ra với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan đến vụ việc, cụ thể gồm: đại diện phía Thái Lan (Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan); đại diện các Bộ ngành có liên quan; đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp sản xuất trong nước; đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng điều tra; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tại buổi tham vấn, Cơ quan điều tra đã lắng nghe ý kiến của đại diện tất cả các nhóm bên liên quan về vụ việc. Tất cả các ý kiến, quan điểm của các bên liên quan sẽ được Cơ quan điều tra tổng hợp, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng trong kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc và đảm bảo việc điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và WTO.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.