Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ được khai thác chính thức. Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.
Trong 15 ngày chạy miễn phí, 7 ngày đầu vận hành 4 đoàn, giãn cách 15 phút, 8 ngày tiếp theo vận hành 6 đoàn tàu, giãn cách 10 phút. Sau đó, trong 6 tháng đầu khai thác, dự kiến vận hành 6-9 đoàn tàu, tương ứng thời gian giãn cách 6 phút, 10 phút/chuyến. Khi vận hành 6 đoàn, sau 10 phút lại có tàu dừng tại ga, còn vận hành 9 đoàn tàu, chỉ sau 6 phút sẽ có tàu dừng tại ga đón, trả khách.
Các đoàn tàu sẽ khai thác từ 5h30, đóng lúc 23h hằng ngày. Nếu khách đi đông, Metro Hà Nội sẽ điều chỉnh, tránh vận hành ít khách không hiệu quả.
Giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến, thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất, giá vé mở cửa là 7.000 đồng, mỗi kilomet cộng thêm 600 đồng.
Giá vé ngày là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng.
Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Trong 15 ngày đầu, Hà Nội sẽ miễn phí đối với tất cả hành khách đi tàu.
"Giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi kilômet thêm 600 đồng. Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng khách đi tàu trả tiền theo kilômet, đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Giá vé trên đã có trợ giá của Nhà nước", ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) - nói. Ngoài ra, còn có vé ngày, vé tháng, không giới hạn số lượt đi lại...
Theo lộ trình di chuyển của đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tàu sẽ qua các trường:
Học viện Âm nhạc Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học KH-XH và Nhân văn, Khoa Tiếng Anh Viện Đại học Mở Hà Nội, Cao đẳng Công Thương Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Công nghệ GTVT, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Học viện An Ninh, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Kiến trúc, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Đại Nam.
Trong năm đầu tiên khai thác chính thức, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chuyên gia của Công ty Đường sắt đô thị Trung Quốc tham gia tư vấn, hỗ trợ quản lý, khai thác vận hành. Theo ông Trường, trong giai đoạn đầu khai thác, công suất vận hành của tuyến đường sắt tương đương 12 tuyến xe buýt lớn, nếu tăng vận tốc di chuyển đạt tương đương 24 tuyến buýt.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) cho biết thêm, hiện dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 52 tuyến buýt (bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội) công cộng kết nối. Trong đó, riêng khu vực ga cuối tuyến đường sắt (ga Yên Nghĩa), xe buýt đang vận chuyển được 14.072 hành khách/giờ; còn tại ga đầu tuyến (ga Cát Linh), xe buýt đang vận chuyển được 6.180 lượt hành khách/giờ.
Gần đây, một số tuyến buýt dọc đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng được điều chỉnh để tăng hiệu quả kết nối, đồng thời có 52 tuyến buýt hoạt động, với 48 tuyến trợ giá và 4 tuyến không trợ giá. Đối với khu vực hai ga đầu, cuối tuyến đường sắt (ga Cát Linh và Yên Nghĩa) có năng lực vận chuyển buýt lớn, đủ đáp ứng giải tỏa khách đi bằng tàu điện.
Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối ra khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…) và các tuyến buýt kết nối với khu vực nội thành đi vào trung tâm thành phố. Tại ga Yên Nghĩa có bố trí cầu vượt đi bộ kết nối trực tiếp với các tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa.
Còn tại ga Cát Linh, có 8 tuyến buýt kết nối (số 18, 23, 50, 90, BRT01, 25, 99, 38), các tuyến buýt kết nối với ga Cát Linh hiện nay hầu hết là các tuyến buýt thông qua, chỉ có tuyến buýt số 90 (Hào Nam - Nội Bài) có điểm đầu cuối tại ga Cát Linh. Tuyến có tần suất cao nhất là 3 - 5 phút/ lượt là tuyến BRT, còn lại các tuyến dao động từ 12 - 15 - 20 phút/ lượt...
Trong ngày thứ 2 vận hành chính thức miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông đã thực hiện 141 chuyến và có 54.121 người dân đi.
Như vậy, số lượng người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông ngày thứ 2 đã gấp hơn 2 lần ngày đầu tiên và số lượng chuyến tàu cũng tăng thêm 32 chuyến.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) thừa nhận, trong sáng ngày 7/11 có xảy ra tình trạng hàng nghìn hành khách tụ tập cùng lúc gây mất an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, đến chiều, Metro Hà Nội đã có giải pháp để giãn cách hành khách, đảm bảo đúng quy định về khoảng cách 5K.
Cụ thể, phân luồng hành khách lên xuống, theo phương án dích dắc như tại sân bay, để tránh tụ tập quá đông hành khách cùng một chỗ.
Ngoài ra, khách trên tầng 3 đi hết thì mới cho tầng 2 lên, tầng 2 lên hết mới cho tầng 1 lên.
Lượng người đi tàu Cát Linh - Hà Đông lên tới hơn 54.000 người trong ngày Chủ Nhật. Ảnh: Kênh 14.
Metro Hà Nội cũng khuyến cáo người dân nếu đi làm bằng tàu thì đi đúng khung giờ, nhưng nếu đi trải nghiệm như các cụ hưu trí hay sinh viên nên tránh khung giờ cao điểm.
Đồng thời, cần chú ý tuân thủ đúng quy định 5K, đảm bảo giữ khoảng cách khi xếp hàng cũng như khai báo quét mã QR trên tàu.
Còn theo Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư dự án), sau khi dự án được bàn giao cho Hà Nội để khai thác, vận hành, đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình và phối hợp với các bên liên quan để xử lý những vấn đề phát sinh.
Trong 2 ngày đầu tiên vận hành, tuyến tàu điện vận hành an toàn, ổn định, không phát sinh vấn đề nào về kỹ thuật, số lượng khách đi tàu vượt số dự kiến.
Một số hành khách cho biết, khi gửi xe tại một số nơi như ga Láng, Cát Linh vào ngày 7/11 phải trả 10.000 đồng/lượt và không có vé thu tiền.
Liên quan đến việc này, đại diện Metro Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này chưa tổ chức được các điểm trông giữ ở chân ga.
Các vị trí trông giữ xe được nêu trong sổ tay là các điểm xung quanh ga, nhằm hướng dẫn khách gửi xe. Trong thời gian tới, Metro Hà Nội sẽ xem xét để giải quyết vấn đề này.
Còn lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng của Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện tại ga đầu Cát Linh - ga cuối Yên Nghĩa đều được bố trí điểm trông giữ phương tiện cho hành khách đi tàu.
Với các ga khác đang được dùng cho giao thông công cộng bằng xe buýt để khách đi tàu. Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội đang lên kế hoạch để bố trí thêm các điểm trông giữ xe phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông.
Clip hành khách xếp hàng đông nghịt, chờ đợi cả tiếng để trải nghiệm chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc trải nghiệm là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách. Lúc xếp hàng lên nhà ga Cát Linh - Hà Đông người dân phải tuân thủ điều kiện phòng chống dịch.
Theo ông Nga, khi được tiêm vaccine, người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết. Những người thường xuyên đến nơi tập trung đông đúc phải tuân thủ việc khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ bản thân. Đặc biệt tuân thủ việc quét mã QR khi đến các ga tàu đường sắt đô thị.
Ông Nga khuyến cáo, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tận 15 ngày đi miễn phí nên người dân không phải vội vàng, chen chúc để rồi dễ lây lan dịch COVID-19. Người dân không nên đi vào giờ cao điểm, nhất là những người chưa tiêm vaccine, người già, người có bệnh nền.
Thực hiện: Nhung Trương