Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Trách nhiệm của Bộ Giao thông ra sao?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (2/6), ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - thông tin về trách nhiệm của các bên về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT đã báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có nội dung Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cần 50 triệu USD trước khi bàn giao.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (2/6), ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã cung cấp thông tin về việc Tổng thầu Trung Quốc muốn được thanh toán thêm 50 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) để vận hành chạy thử Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới có thể tiếp tục thi công do thiếu nhân sự Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)
Ông Đông cho hay: Việc thực hiện dự án này tuân thủ theo các quy định của hợp đồng EPC, trách nhiệm của các bên như thế nào về dự án đã được quy định rõ.
"Trách nhiệm thanh toán của Ban Quản lý Dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư. Hiện đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng và theo khối lượng đã thực hiện, theo các quy định và điều khoản của hợp đồng" - ông Đông cho biết.
Về các nội dung liên quan đến hoàn thiện dự án, chạy thử, chạy liên động tích hợp, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định phải thực hiện theo thiết kết, theo điều kiện của hợp đồng EPC. Bộ GTVT đang cố gắng, nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng, đặc biệt là TP. Hà Nội để huy động lực lượng của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của dự án, đánh giá toàn hệ thống và đưa vào khai thác.
Đối với đề nghị cần thêm 50 triệu USD của Tổng thầu Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn: "Thanh toán như thế nào phải theo quy định của hợp đồng với các điều khoản thanh toán. Khi Tổng thầu thực hiện xong dự án và nghiệm thu thì sẽ được thanh toán 95%, còn lại 5% là chi phí bảo hành giống như các dự án khác".
Về trách nhiệm của Bộ GTVT, ông Đông nhấn mạnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Dự án làm việc chặt chẽ, kiên quyết với Tổng thầu, đặc biệt là trong thời gian tới phải đảm bảo có lao động sang Việt Nam để hoàn thiện dự án này.
Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.
Đối với 50 triệu USD mà Tổng thầu Trung Quốc đề cập tới, Bộ GTVT thông tin: Tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/05/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái - đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ.
Tổng thầu kiến nghị chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.
“Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng” - Bộ GTVT cho biết và thông tin thêm hiện nay Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.
Trên cơ sở ý kiến của Tổng thầu, Ban QLDA Đường sắt ghi nhận những khó khăn về tài chính của Tổng thầu. Tuy nhiên, việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục hợp đồng đã ký.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn “lỡ hẹn” không thể đưa vào khai thác.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.