Đường sắt, đường bộ thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bão số 3 đã phá hỏng hơn 4.000 vị trí đường bộ, làm sập 2 nhịp cầu, hàng trăm biển báo hiệu đường bộ bị gãy… ước tính thiệt hại lên tới 2.000 tỷ đồng, trong khi đó, mưa lũ, sạt lở cũng khiến ngành đường sắt thiệt hại gần 180 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống kê cập nhật thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão gây ra.
Theo báo cáo của VNR, thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng (trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu).
Bên cạnh đó, VNR cũng chịu thiệt hại khoảng 48 tỷ, trong đó thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư là 20 tỷ đồng (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào); thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt 28 tỷ đồng (bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách).
Để chủ động ứng phó, khắc phục sự cố do bão gây ra, VNR đã khẩn trương khắc phục, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, khôi phục hoạt động vận tải đường sắt và sản xuất kinh doanh.
VNR đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác sửa chữa, khắc phục với thiệt hại về tài sản do Nhà nước đầu tư.
Bão số 3 đổ bộ vào nước ta cũng gây nhiều thiệt hại nặng nề cho ngành đường bộ. Ngày 16/9, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 14/9, có 4.177 vị trí đoạn đường bị thiệt hại và ảnh hưởng.
Trong đó, có 3.924 vị trí bị thiệt hại do sạt lở đất, sụt nền đường, đứt đường và hư hỏng cầu cống; 253 vị trí mặt đường bị ngập nước. Hàng trăm biển báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ và nhiều hư hại khác cần được sửa chữa và thay thế.
Đáng lưu ý, ở Phú Thọ xảy ra sập 2 nhịp cầu Phong Châu. Ngoài ra, do mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết 4 cầu khác trên một số tuyến quốc lộ phải dừng khai thác.
Với tinh thần bảo đảm giao thông trong mọi tình huống, trong những ngày qua, Bộ GTVT đã ban hành các Công điện đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai khắc phục hậu quả thiên tai nhằm sớm khôi phục giao thông các vị trí, đoạn đường bị tắc, phân luồng, phân tuyến giao thông qua khu vực bị tắc hoặc không bảo đảm an toàn giao thông.
Với tinh thần huy động tổng lực để bảo đảm giao thông, hiện nay các lực lượng, các đơn vị đang tập trung công tác cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm giao thông để phục vụ cứu nạn, cứu hộ, vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phục vụ giao thông cho công việc khác. Nên chưa đánh giá chính xác, đầy đủ các thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng đường bộ.
Bước đầu ước tính thiệt hại cần khắc phục khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí đảm bảo giao thông gồm chi phí để hót sụt, đắp lại nền đường, xây dựng tạm đường tránh, cầu, cống tạm, bổ sung thay thế bảo hiệu và khôi phục giao thông tạm trên các quốc lộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão: ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng.
Để xây dựng lại các tuyến quốc lộ bị thiệt hại, hư hỏng do bão, mưa lũ, sạt lở đất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: ước tính 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với quy mô 4 làn xe, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng).
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.