Đường sắt liên vận Việt - Trung vận chuyển được 11.000 teus hàng hóa trong 9 tháng
9 tháng năm 2024, đường sắt liên vận Việt - Trung đã chạy được hơn 300 chuyến tàu, với tổng khối lượng vận chuyển xấp xỉ 11.000 teus, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, thời gian qua, việc đưa mô hình ga liên vận vào sâu trong nội địa đã giúp vận tải đường sắt phát huy được hiệu quả trong việc thông thương mại hàng hoá xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi Trung Quốc và quá cảnh sang Nga, châu Âu, cũng như hàng hoá Trung Quốc thông qua Việt Nam để đi vào các nước ASEAN.
Hàng hóa xuất nhập khẩu rất đa dạng gồm nông sản, nguyên vật liệu, đồ điện tử, quặng… Ngoài ra, một số loại hàng hoá có tiềm năng khác như dăm gỗ cũng đang được thử nghiệm chở bằng đường sắt liên vận.
Hiện mỗi tháng trung bình có khoảng 400 - 500 container được bốc xếp tại ga Kép để vận tải trên tuyến đường sắt liên vận Yên Viên (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) đi Trung Quốc và ngược lại. Riêng 9 tháng năm nay, đường sắt liên vận Việt - Trung đã chạy được hơn 300 chuyến tàu, với tổng khối lượng vận chuyển xấp xỉ 11.000 teus, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng hóa được đưa sâu vào trong nội địa, chủ hàng có thể làm thủ tục hải quan tại các ga nằm sâu trong nội địa, rất thuận tiện cho chủ hàng. Chính vì thế, những năm qua sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đều tăng mạnh và hàng hóa của chúng tôi vận chuyển bằng đường sắt đã đi được từ Việt Nam qua Trung Quốc, sang các nước thứ ba như là Mông Cổ, Nga, châu Âu ở khu vực Trung Á.
Tuy nhiên, đường sắt liên vận quốc tế mới chỉ có 3 tuyến, hạ tầng còn lạc hậu, tính hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, cũng như từ Việt Nam tới các nước châu Âu.
Ngành đường sắt đang hướng tới mục tiêu vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa thông qua liên vận quốc tế vào năm 2030. Do đó, cần thúc đẩy sớm các tuyến đường sắt liên vận quốc tế để đẩy nhanh thủ tục thông quan, giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất khẩu.
Hiện, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để đầu tư xây dựng 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc là: Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài 380km; Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km.
Dự kiến quy mô khổ đường của cả 3 tuyến này đều là 1.435mm, tốc độ 160km/h với tàu khách, 120km/h với tàu hàng. Việc triển khai 3 dự án này đang là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc và quốc tế để đẩy nhanh thủ tục thông quan, giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, để các tuyến liên vận quốc tế hoạt động hiệu quả cần tiếp tục xem xét để đưa vào quy hoạch các ga có tiềm năng và thế mạnh trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế.
Mặc dù đã có được những hiệu quả bước đầu trong thông thương hàng hoá xuất nhập khẩu, tuy nhiên để có thể tiếp tục phát huy vai trò xương sống trong lĩnh vực vận tải hàng hoá thì cần sớm nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hạ tầng vốn đã lạc hậu suốt nhiều năm qua của đường sắt, đặc biệt là các tuyến liên vận quốc tế.
Từ đó, đường sắt liên vận có thể phát huy vai trò lớn hơn bằng hiệu quả, sự nhanh chóng, tiện ích, góp phần giảm giá thành vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, làm phong phú hơn chủng loại hàng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, trở thành cầu nối vững chắc cho hai nền kinh tế, đóng góp lớn hơn cho phát triển và thịnh vượng của hai đất nước.
Minh An (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.