Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sáng nay (13/9) đường sắt đã thử tải an toàn qua cầu Long Biên và cầu Đuống. Từ chiều nay các đoàn tàu sẽ chạy trở lại trên 2 cầu Long Biên và cầu Đuống.
Sáng nay, mực nước trên sông Hồng và sông Đuống đã rút xuống thấp hơn. Để kiểm tra mức độ an toàn trước khi cho tàu chạy trở lại qua cầu Đuống và cầu Long Biên, ngành đường sắt đã tiến hành thử tải an toàn cho chạy tàu qua các cầu nêu trên. Kết quả thử tải an toàn và có thể đảm bảo cho tàu chạy từ chiều nay (13/9).
Tàu khách LP5 đi Hải Phòng là chuyến đầu tiên qua cầu Long Biên sau khi chạy lại, xuất phát tại ga Hà Nội lúc 15h15. Trong ngày còn có tàu LP8 từ Hải Phòng về ga Long Biên.
Từ ngày 14/9, các tàu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy bình thường qua cầu Long Biên. Hàng ngày ngành đường sắt lập 4 đôi tàu khách xuất phát từ ga Hà Nội hoặc Long Biên đến ga Hải Phòng và ngược lại. Một số đôi tàu hàng từ ga Giáp Bát đến Yên Viên cũng qua cầu Long Biên.
Các đoàn tàu hàng chạy tuyến Hà Nội - Đồng Đăng qua cầu Đuống cũng vận hành trở lại. Riêng việc khôi phục giao thông đường bộ trên hai cầu vẫn chưa được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo.
Trước khi đưa hai cầu hoạt động, ngành đường sắt đã kiểm tra, gia cố vị trí trên cầu đảm bảo tàu an toàn. Tàu hàng chạy thử với tốc độ 5 km/h qua hai cầu từ Yên Viên tới ga Long Biên, sau đó nâng tốc độ chạy ngược lại về Yên Viên.
Trước đó, vào lúc 15h ngày 10/9, lo ngại nước lũ sông Hồng dâng cao và chảy xiết, uy hiếp an toàn, Sở Giao thông Vận tải đã cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.
Từ 22 giờ đêm ngày 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống.
Hiện tại, trên một số đoạn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai vẫn còn cây cối gãy đổ, hư hỏng cột thông tin tín hiệu, nước ngập đỉnh ray, trôi nền đá... ngành đường sắt đang huy động nhân lực, vật lực tích cực khắc phục để có thể thông đường toàn tuyến sớm nhất.
Huyền My (t/h)Năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam.