Duy trì và phát huy vị thế hàng đầu của ngành gia vị Việt

Kinh doanh
08:47 AM 18/03/2024

Nhiều năm liền, Việt Nam là nước xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới. Nếu các doanh nghiệp và người dân tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu... thì có thể tạo nên một nền kinh tế gia vị, đem về dòng tiền cho đất nước.

Sở hữu trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng mà ít có ở quốc gia khác là lợi thế lớn của ngành gia vị Việt Nam.

Duy trì và phát huy vị thế hàng đầu của ngành gia vị Việt- Ảnh 1.

Ảnh: Tạp chí Tài chính

Nước ta có điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu gia vị có chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt với các sản phẩm cùng loại trên thế giới. Hiện có khoảng 50 loại gia vị được trồng và chế biến, trong đó có nhiều loại gia vị nổi tiếng trên thế giới như hồ tiêu, quế, hồi, ớt, gừng, nghệ, đinh hương, vani,...

Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Tính đến nay, hồ tiêu và gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Thế giới đánh giá rất cao giá trị dinh dưỡng có trong các cây gia vị nước ta, đặc biệt là quế, hồi.

Đẩy mạnh xuất khẩu gia vị góp phần cải thiện sinh kế nông hộ, định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới và tăng trưởng GDP quốc gia. 

Dù được sử dụng khá phổ biến qua đường B2B hay xách tay, thế nhưng con đường đi chính ngạch của gia vị vẫn còn khá gian nan, khi các sản phẩm nông nghiệp nói chung và gia vị nói riêng muốn xuất khẩu đều phải chấp hành quy định ngặt nghèo nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Thực tế, sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún của ngành gia vị đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ. 

Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ các cây gia vị để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường carbon, giá trị các sản phẩm phụ…

Để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và duy trì vị thế của ngành, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh hơn. Duy trì ổn định diện tích các loại cây gia vị theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, sản xuất để các nhà đầu tư yên tâm và có chiến lược đầu tư dài hạn…

Ngoài ra, cần tập trung xây dựng vùng sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu... đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, qua đó định vị quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong năm tới là mục tiêu của toàn ngành.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.