EC gia hạn thời gian gỡ thẻ vàng, BĐBP Kiên Giang tăng cường tuyên truyền IUU
Mới đây, Ủy ban Châu âu (EC) đã đồng ý gia hạn thời gian gỡ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam đến hết tháng 10/2023. Trên tinh thần đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang sẽ tăng cường hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá của tỉnh Kiên Giang vi phạm vùng biển các nước đánh bắt trộm hải sản…
Việc EC gia hạn thêm thời gian gỡ thẻ vàng cho thấy những nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo, chỉ huy, các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng của tỉnh Kiên Giang trong thời gian dài quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho ngành Thủy sản của tỉnh. Việc làm này đã mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, xử lý, giải quyết các vụ việc vi phạm chủ quyền, khai thác trộm hải sản.
Theo đó, xác định là lực lượng nòng cốt trong tham gia vào nhiệm vụ, trách nhiệm tháo gỡ thẻ vàng, bảo vệ ngư dân vươn khơi bám biển, làm ăn, đánh bắt đúng quy định, lực lượng BĐBP Kiên Giang xác định thời gian tới sẽ cần chủ động hơn, quyết tâm hơn, vào cuộc kiên quyết hơn để góp phần vào trách nhiệm chung của cả nước vì sự sống còn của ngành Thủy sản, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Theo đó, Đảng ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang tiếp tục ra Nghị quyết lãnh đạo, xây dựng Kế hoạch hướng dẫn các đơn vị thực hiện trên tinh thần:"Tích cực tuyên truyền, kiên quyết xử lý". Theo đó, các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển, đảo đã tập chung bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường làm nhiệm vụ; và vẫn với cách làm như: Thông tin, phát tờ rơi, thư kêu gọi, họp dân, kiểm tra, giám sát… nhưng tăng thời gian, tần suất tiếp cận với ngư dân. Cùng với đó là công tác phối hợp với các lực lượng tại chỗ như: Hải Quân, Cảnh sát biển, Công an, Quân sự… tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến chống khai thác IUU.
Tranh thủ những ngày nghỉ của ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển mới, các chiến sĩ Biên phòng tại các chốt, trạm đến trực tiếp các phương tiện tàu cá để tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các chủ tàu và ngư dân về Luật Thuỷ sản sửa đổi năm 2017 và các quy định khi khai thác thuỷ, hải sản trên biển.
Theo ông Danh Phú - chủ tàu cá phường Dương Đông, TP Phú Quốc cho biết, các hoạt động này của BĐBP là rất thiết thực, giúp chúng tôi thực hiện đúng các quy định của nhà nước khi đi làm nghề trên biển…
Không chỉ có tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, lực lượng Biên phòng tỉnh còn là người bạn đồng hành cùng ngư dân, làm điểm tựa cho ngư dân bám biển. Để ngư dân chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, kiểm soát, hạn chế vi phạm, các đơn vị đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về pháp luật, các chỉ thị quy định liên quan. Đồng thời, là cầu nối để ngư dân thông báo vi phạm, báo vụ việc, thông báo nhờ hỗ trợ xử lý khi các thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị giám sát hành trình bị lỗi, bị mất tín hiệu. Cán bộ Biên phòng sẽ trực tiếp liên hệ, hướng dẫn cho chủ tàu, tài công gặp trực tiếp nhà mạng, kết nối lại tín hiệu, sửa chữa máy móc trước khi ra khơi.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền thông qua các tin, bài viết, phóng sự, chuyên mục trên báo, đài tỉnh, trung ương và trên hệ thống thông tin cơ sở, các hình thức trực quan. Tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và huyện, thành phố. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách truy cập vào các trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… của các ngành, địa phương. Tuyên truyền trên các ấn phẩm như: Sổ tay, tờ rơi, tờ gấp… Tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho chủ phương tiện, ngư dân tại các huyện có nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản. Tuyên truyền thông qua các hội thi, hội nghị, sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản, những buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hoạt động của các Hội nghề cá…
Tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 9.845 tàu cá từ 6 mét trở lên, trong đó, tàu cá 15 mét trở lên đánh bắt xa bờ có gần 4.000 chiếc. Để chủ phương tiện và ngư dân chấp hành pháp luật về khai thác thuỷ sản và các quy định khi hành nghề trên biển ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về khai thác thuỷ sản trên địa bàn, trong thời gian qua, các đơn vị Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thuỷ hải sản, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản, không vi phạm các vùng biển của các nước để đánh bắt trái phép.
Thượng tá Lê Huy Giáp - Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới cho biết, việc thay đổi nhận thức của ngư dân có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ BĐBP tỉnh, đơn vị đã tăng cường lực lượng, thời gian tuyên truyền phổ biến pháp luật đến ngư dân, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể cấp bách như duy trì nghiêm công tác tuần tra kiểm soát ở các địa bàn trọng yếu. Xử lý nghiêm và kiên quyết không để các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn không đảm bảo thủ tục theo quy định và sử dụng các ngư cụ cấm xuất bến…
Cùng với chính quyền địa phương, Chi cục thuỷ sản, các đơn vị Biên phòng tuyến biển là lực lượng quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản. Năm 2022, lực lượng Biên phòng tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ nhiều tài công, chủ tàu vi phạm các quy định về hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển. Xử phạt vi phạm hành chính gần 730 triệu đồng; thu giữ 18 bộ công cụ kích điện, 96m dây điện, thuốc nổ. Phát hiện, xử lý nhiều tàu có hành vi tự ý tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình, nhiều tàu chở hộ thiết bị giám sát hành trình. Phối hợp cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc vi phạm vùng biển các nước láng giềng….
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.