E&CVN nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Sự kiện
08:52 AM 16/10/2020

Sáng 13/10, tại diễn đàn “Vai trò phụ nữ với các sản phẩm OCOP” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam (E&CVN) cho biết, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, từ đó khép kín chuỗi liên kết và góp phần khơi thông nút thắt vĩ mô lúng túng nhất hiện nay khi tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

E&CVN nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

E&CVN ký hợp tác chiến lược với Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT).

E&CVN (trụ sở số 9 Nguyên Hồng, Ba Đình, Hà Nội) được thành lập bởi các nhà kinh tế, các chuyên gia nông học và tài chính giàu kinh nghiệm ở Việt Nam để xây dựng và phát triển chuỗi liên kết cung ứng nông sản trên toàn quốc, hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các nông - đặc sản chất lượng cao.

Thông qua một thỏa thuận hợp tác gần đây, ngày 11/9/2020, E&CVN là đơn vị được Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) giao thực hiện việc xây dựng, triển khai hệ thống cổng thông tin điện tử "conghtxocop.vn", sàn thương mại điện tử "sanocop.vn" ứng dụng công nghệ blockchain, tem truy xuất chống giả nguyên khối phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu cho các HTX và DN, nhất là các chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm OCOP.

Cần liên kết đồng bộ

Trên thực tế triển khai Chương trình OCOP ở hầu hết ở các địa phương, hiện nay các HTX, DN có thể làm tốt khâu sản xuất nhưng đều rất lúng túng, gặp khó ở khâu cuối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi làm ra sản phẩm OCOP đòi hỏi quy trình phải có sự liên kết chặt chẽ với DN chế biến, và phải bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm… Nhất là các HTX, DN rất cần được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, tư vấn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Trên diễn đàn "Vai trò phụ nữ với các sản phẩm OCOP", ông Trần Ngọc Toàn, Tổng Giám đốc E&CVN, cho rằng, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết, ngân hàng cho vay vốn lãi suất ưu đãi…, nhưng để áp dụng sao cho hiệu quả thì phải giải quyết đồng bộ từng khâu một. Và trong chuỗi liên kết phải phân rõ vai từng thành viên "mắt xích" trong chuỗi liên kết. Theo chuỗi liên kết đó, hộ nông dân chịu trách nhiệm sản xuất, HTX chịu trách nhiệm sơ chế và chế biến, còn DN chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm và xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước. Chỉ như thế chuỗi liên kết mới vận hành một cách nhuần nhuyễn.

Trong các khâu từ sản xuất và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, thì khâu nào cũng có vai trò quan trọng. Ví như, khi đã có sản phẩm đạt chuẩn về các khâu sản xuất, nhưng đến khâu vận chuyển nếu quá trình xe lạnh di chuyển máy lạnh bị trục trặc kéo theo hàng hóa cũng không bảo đảm chất lượng. DN phải đền hợp đồng và có nguy cơ mất khách hàng. Bởi thế, E&CVN đưa công nghệ Cổng truy xuất nguồn gốc blokchain vào, kiểm soát từ lúc bắt đầu nuôi, trồng cho đến lúc đưa lên kệ siêu thị, đến tay khách hàng. Khách hàng có thể kiểm soát đc tất cả các khâu trong suốt quá trình sản xuất.

Về thị trường, đến nay E&CVN đã phát triển tới 21 tỉnh, thành phố có văn phòng đại diện để luân chuyển các sản phẩm OCOP từ tỉnh này sang tỉnh khác. Và trên sàn thương mại điện tử sanocop.vn, E&CVN dịch ra 5 thứ tiếng, và các quốc gia trong mạng lưới liên kết toàn cầu đã có sẵn bộ dữ liệu cơ sở liên quan OCOP Việt Nam. Thông qua sàn TMĐT này, các đối tác, khách hàng quốc tế quan sát các vùng, tiểu vùng sản xuất gieo trồng trên cả nước, nếu thấy ổn định và chất lượng thì sẽ đặt hàng. Bởi định hướng của E&CVN trong các chuỗi liên kết là sản xuất theo đơn đặt hàng.

Liên kết tạo cơ hội lên sàn

Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử là không thể thiếu khi tiếp cận thị trường. Là đơn vị sở hữu nền tảng công nghệ số, ông Trần Ngọc Toàn cho biết, Cổng OCOP (trang website conghtxocop.vn) giúp số hoá và bảo vệ sản phẩm OCOP.

Cụ thể, các ứng dụng bao gồm: Ghi nhận thông tin sản xuất đồng bộ quản lý giống đầu vào, quá trình canh tác, quy trình giám sát điện tử, cơ sở dữ liệu vùng trồng được thể hiện trên nền bản đồ GIS/Googlemap, viễn thám vệ tinh, thời tiết... Ghi nhận thông số vận hành và hoạt động của những đơn vị phụ trợ như đơn vị đóng gói, vận chuyển, kho lưu trữ... giúp tính toán, phân bổ vật tư nông nghiệp, nhân sự vận hành... giúp tối ưu hoá quá trình sản xuất, canh tác giúp phát triển tiền đề cho nông nghiệp chính xác tại Việt Nam...

Ngoài ra, hệ thống được xây dựng dựa theo những quy định và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, có khả năng kết nối vào Cổng thông tin Quốc gia thuận lợi khi có yêu cầu. Hệ thống giúp "minh bạch hoá", chống giả cho tất cả thông tin hàng hoá, tạo dựng lòng tin và củng cố thương hiệu sản phẩm, thương hiệu OCOP, thương hiệu quốc gia đến với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sàn OCOP (trang website sanocop.vn) giúp thương mại hoá sản phẩm OCOP chất lượng. Cụ thể hơn, với những thông tin sản phẩm đã được chống giả, số hoá và quản lý bài bản, đồng thời giúp thương mại nội địa và xuất khẩu những sản phẩm OCOP đã được thực hiện thông qua Cổng OCOP trên hệ thống Sàn OCOP. Đó là giải pháp đúng đắn được các nhà quản lý và cộng đồng HTX, DN ủng hộ và đánh giá cao.

E&CVN nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Đại diện E&CVN tham gia diễn đàn “Vai trò phụ nữ với các sản phẩm OCOP” sáng 13/10/2020.

Theo bà Nguyễn Thị Mới, Chủ tịch E&CVN, sau một tháng ký hợp tác chiến lược với Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), Công ty E&CVN đã huy động toàn bộ các nguồn lực tăng cường triển khai hợp tác các địa phương, các hội đoàn, các DN và HTX, nhằm mở rộng mạng lưới trên cả nước các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó trọng tâm là các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc địa phương, vùng miền.

Kết quả đến nay, E&CVN đã cử chuyên gia bám sát các đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác đi khảo sát chuyên đề "Tiến độ triển khai tình hình phát triển HTX nông nghiệp, Liên kết tiêu thụ nông sản" tại các tỉnh Kom Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi…Bên cạnh đó, E&CVN phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) triển khai các phiên chợ OCOP giới thiệu và tiêu thụ nông sản tại Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng…, để quảng bá các sản phẩm của các tỉnh, thành phố thông qua Sàn sanocop.vn và cổng TMĐT conghtxocop.vn. E&CVN phối hợp tổ chức các sự kiện, ký kết đưa vào chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trao đổi giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh Đăk Nông - Quảng Ngãi - Hải Phòng - Cần Thơ - Nam Định - Vĩnh Phúc.

Về các lĩnh vực tư vấn, E&CVN hợp tác chặt chẽ với các đối tác để tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn các HTX, DN triển khai thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các dự án tư vấn Nghị định 98 chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lai Châu.

Bà Nguyễn Thị Mới nói: "Hiện nay, E&CVN đã ký liên kết với Ngân hàng HDbank - Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ KH&ĐT) triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Tổ chức xây dựng chuỗi cửa hàng của E&CVN, gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu chủ lực để cung cấp sản phẩm cho các chuỗi của E&CVN trên cả nước".

Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn