EU là thị trường tăng trưởng ổn định nhất của tôm Việt trong nửa đầu năm
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 252 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Theo VASEP, EU được coi là thị trường tăng trưởng ổn định nhất của tôm Việt trong nửa đầu năm 2025.
Nhiều thị trường trọng điểm trong khối EU ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như Đức tăng 24%, Bỉ tăng 31% và Pháp tăng gần 20%. Tuy nhiên, Hà Lan, vốn là thị trường lớn, lại sụt giảm nhẹ 4%. Hiệp hội cho biết điều này phản ánh sự dịch chuyển cơ cấu tiêu dùng và phân hóa thị trường nội khối EU.
Trong cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng vẫn là mặt hàng chủ lực với kim ngạch 206 triệu USD, tăng 17,8% và chiếm 81,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Đáng chú ý, cả hai dòng sản phẩm chính của tôm chân trắng đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt: tôm chế biến (HS16) đạt 97,4 triệu USD, tăng 17%; còn tôm sống/tươi/đông lạnh (HS03) đạt 108,7 triệu USD, tăng 18,6%.

Ảnh: VASEP
Ngược lại, xuất khẩu tôm sú giảm 7,1% so với cùng kỳ, đạt 25 triệu USD. Sản phẩm đông lạnh giảm 7,6%, còn tôm sú chế biến giảm 3,9%, cho thấy mức độ phục hồi nhu cầu đối với tôm sú tại EU vẫn còn yếu.
Tôm loại khác đạt 20,7 triệu USD, tăng mạnh 33,2%. Đặc biệt, dòng sản phẩm chế biến khác (HS16) tăng tới 50%.
Hiệp hội nhận định, trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu nhiều biến động, EU đang dần trở thành "vùng trú ẩn" mới của các nhà xuất khẩu tôm quốc tế, đặc biệt là từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.
Kế hoạch áp thuế chống trợ cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng hóa nhập khẩu, trong đó có tôm, khiến nhiều nhà xuất khẩu chuyển hướng sang EU để giảm thiểu rủi ro chính sách. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế ổn định và khả năng kiểm soát lạm phát của EU sau đại dịch đã giúp nhu cầu tiêu dùng tại khu vực này phục hồi mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu tôm sang EU, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt từ EU. Các nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm đến: Tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng; Tuân thủ các chứng nhận như ASC, GlobalG.A.P, Organic.
Mặt khác, EU có xu hướng ưu tiên sản phẩm chất lượng cao, đóng gói có thương hiệu, đặc biệt là các dòng tôm thẻ bóc vỏ, tôm sú nuôi tự nhiên, chứng nhận sinh thái. Do vậy, các doanh nghiệp Việt muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU cần phải có chiến lược tiếp thị rất cụ thể, giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần định vị lại chiến lược cạnh tranh, chuyển từ cạnh tranh giá sang tập trung vào chất lượng, bền vững, minh bạch.
Huyền My (t/h)
Dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chậm lại trong nửa đầu năm nhưng cá ngừ Việt Nam xuất sang Thái Lan lại tăng đột biến 137%.