EU xem xét cấm nhập khẩu từ Nga, giá than tăng dựng đứng
EU đề xuất cấm nhập khẩu than từ Nga cùng loạt biện pháp trừng phạt mới.
Theo trang Bloomberg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét một lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga sau những diễn biến mới ở chiến trường Ukraine.
Bà von der Leyen cho biết theo đề xuất mới này, lượng than đá trị giá 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) từ Nga sẽ bị cấm nhập vào châu Âu. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ có thời hạn 3 tháng để giảm dần nhập khẩu than đá Nga, trước khi các hợp đồng mới bị cấm hoàn toàn.
Cũng theo nguồn tin này, các lệnh trừng phạt mới cũng sẽ bao gồm lệnh cấm tàu hàng và xe chở hàng từ Nga đến các cảng hay vào biên giới EU, ngoại trừ các sản phẩm nông nghiệp, viện trợ nhân đạo và năng lượng.
Bên cạnh các lệnh cấm nêu trên, EU cũng có thể mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực quốc phòng và các ngành công nghiệp khác đối với Nga, bao gồm cả các công nghệ và thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác dầu khí.
Tuy nhiên theo Bloomberg, EU hiện không có kế hoạch đưa ra các biện pháp hạn chế đối với khí đốt từ Nga. Theo đó, đang có sự chia rẽ sâu sắc trong vấn đề cung cấp năng lượng từ Nga giữa các nước EU, một số muốn ngừng ngay lập tức việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi các nước khác lại đưa ra phương án giảm phụ thuộc từng phần.
“Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt bổ sung bao gồm nhập khẩu dầu và xem xét một số ý tưởng mà các quốc gia thành viên đưa ra, chẳng hạn như thuế hoặc các kênh thanh toán cụ thể như tài khoản ký quỹ", bà Leyen nói.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết một lựa chọn trong trường hợp cấm hoàn toàn dầu mỏ là loại bỏ dần dầu của Nga và sử dụng nguồn dự trữ dầu chiến lược của châu Âu để giảm bớt tác động. Một lựa chọn khác sẽ là áp thuế đối với lĩnh vực này, trong khi lựa chọn thứ ba là tạo tài khoản ký quỹ để đóng băng lợi nhuận tăng thêm mà Nga đang làm hạ giá dầu, quan chức này cho biết.
Một số chính phủ, trong đó có Đức và Hungary, phản đối mở rộng lệnh trừng phạt sang lĩnh vực năng lượng của Nga, nhưng những cáo buộc nhắm vào Nga mới đây đã khiến một số thành viên Đông Âu thúc đẩy tăng cường biện pháp này. Các lãnh đạo EU đã tán thành mục tiêu ngừng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga từ năm 2027.
Việc thông qua gói và lệnh cấm than cần có sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên.
Châu Âu và Trung Quốc là 2 khách hàng mua than nhiệt của Nga nhiều nhất.
Được biết, EU phụ thuộc vào Nga với khoảng 45% lượng than nhập khẩu, 45% lượng khí đốt và khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu, theo trang web của Ủy ban Châu Âu.
EU nhập khẩu gần 70% than nhiệt từ Nga, được sử dụng trong sản xuất điện và nhiệt, theo thinktank Bruegel có trụ sở tại Brussels. Than luyện kim của Nga, được sử dụng trong luyện gang và thép, chiếm từ 20% đến 30% lượng than nhập khẩu của EU. Trong đó, Đức, Ba Lan và Hà Lan là những nước tiêu thụ than Nga lớn nhất châu Âu.
Trước đó, Reuters đưa tin Liên minh châu Âu dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu một số mặt hàng của Nga. Cụ thể, cấm bán máy tính lượng tử, chất bán dẫn tiên tiến, máy móc nhạy cảm và thiết bị vận tải trị giá 10 tỷ euro mỗi năm cho Nga. Khối 27 nước sẽ ngừng nhập khẩu gỗ, xi măng, thủy sản và rượu từ Nga, với tổng giá trị khoảng 5,5 tỷ euro.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của EU, Josep Borrell, trước đó cho biết, Liên minh châu Âu sẽ nhất trí về một gói trừng phạt mới chống lại Nga vào ngày 5/4 trước tình hình ở Ukraine, nhưng bác bỏ thông tin về việc cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Ngay cả trước các lệnh trừng phạt, các công ty năng lượng châu Âu đã phải vật lộn để có được than đá của Nga. Nhiều ngân hàng đã từ chối cấp vốn cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, buộc một số công ty tiện ích lớn nhất châu lục phải mua than ở Nam Phi và Australia.
Giá than giao kỳ hạn đầu năm tới Tây Bắc Âu tăng 7,9% lên 205 USD/tấn. Nga cung cấp khoảng một nửa lượng than nhiệt cho lục địa, được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và sản xuất điện.
Giá than tại Mỹ vượt 100 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008 vì cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và kinh tế hồi phục thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
Giá than từ vùng Central Appalachia cuối tuần trước là 106 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 2008. Giá mặt hàng này từ vùng Illinois là 110 USD/tấn, cao nhất kể từ 2005.
Tham khảo: Bloomberg
Khánh VyBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.