EVFTA chính thức được thông qua: Mừng và lo

Sự kiện
12:00 PM 11/06/2020

Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu chính thức thông qua hai Hiệp định EVFTA và EVIPA với Liên minh châu Âu, tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị trân trọng giới thiệu một số ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp về sự kiện này.

    Các sản phẩm điện tử là một trong những mặt hàng sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu.

    Động lực phục hồi hậu COVID-19

    Ông Đinh Quang Hưng - Chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết:

    Theo EVFTA,  Liên minh Châu Âu (EU) cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện tại, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

    Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.
    EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ trong năm 2019. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 11% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU trong năm 2019 đạt 41,5 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

    Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn 3,5-4,2% so với hàng từ Trung Quốc khi thuế suất giảm về 0% sau 3-7 năm. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU. Các sản phẩm điện tử, thủy sản và dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu.

    Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.

    Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ EU có thể tăng xấp xỉ 15,3% vào năm 2020; 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030 so với trường hợp không có EVFTA. EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,2-3,3% (trong giai đoạn 2019-2023); tăng 4,6-5,3% (trong giai đoạn 2024 - 2028) và tăng 7,1-7,7% (trong giai đoạn 2029 - 2033) so với trường hợp không có EVFTA.

    Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ EU. Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64,5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98,3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99,8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU.

    Giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU (tỷ USD) (giai đoạn 2011-2019)

    Hiện tại, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam.

    Việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Ngoài ra, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất.

    Cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác 

    TS. Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Mới Nhật Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ:
    Là một quốc gia được quốc tế đánh giá cao trong việc ngăn chặn sớm đại dịch Covid-19, Việt Nam đang được xem là một thị trường đáng để đầu tư. Tận dụng lợi thế này cùng Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được thông qua, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng trong Khu vực Đông nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế. 

    Nhìn về mặt tích cực, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tác động đến nhiều mặt tới nền kinh tế - chính trị của Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề kinh tế và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tập trung ở đây phải kể đến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU với các mặt hàng nổi bật như: nông sản; chế biến chế tạo; máy móc, linh kiện điện tử; sản phẩm công nghệ;…

    Đối với Công ty Cổ phần Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) - một công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm y sinh công nghệ cao, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ góp phần mở ra cơ hội giao thương, tìm kiếm các đối tác EU để xuất khẩu sản phẩm. Với các sản phẩm dược phẩm có nguồn nguyên liệu xuất xứ chủ yếu từ các nước EU, Mỹ đạt các tiêu chuẩn dược điển quốc tế USP và EP; cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao - công nghệ Nano vào trong quá trình nghiên cứu phát triển, các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, OIC NEW sẽ có nhiều hướng đi trong việc thâm nhập sang thị trường lớn này thông qua cả 2 con đường là xuất khẩu thành phẩm và OEM khi Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được triển khai.

    Và thực tế đã chứng minh, trong thời gian qua khi làm việc với thị trường Mỹ, EU, các sản phẩm Nano OIC rất được đón nhận bởi chất lượng mang lại trong việc bảo vệ sức khỏe toàn diện cũng như những điểm khác biệt lớn về hàm lượng công nghệ khi làm ra sản phẩm. Đây là tín hiệu tích cực cho các Công ty công nghệ cao nói chung và Công ty OIC NEW với các sản phẩm y sinh từ công nghệ Nano nói riêng. 

    Tỷ trọng các mặt hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam với EU.

    Để đón nhận những cơ hội mà Hiệp định EVFTA và EVIPA mang đến chúng ta cần chuẩn bị: Thứ nhất, hàng hóa phải không ngừng được nâng cấp, được tiêu chuẩn hóa, chất lượng hóa, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ cải thiện về chất lượng sản phẩm mà còn giúp hàng hóa “made in Vietnam” nâng lên một tầm cao mới; đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Với các sản phẩm Nano của OIC, chúng tôi luôn ưu tiên và cố gắng lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm phải từ EU, Mỹ, Nhật Bản. Nói không với các nguyên liệu từ Trung Quốc.

    Đó là tiêu chuẩn đầu tiên để cam kết về chất lượng cũng như sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội hơn khi xuất ngược lại các thị trường này. Thứ hai, để thỏa mãn các khách hàng khó tính như EU, chúng tôi luôn chú trọng, tập trung đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển. Bởi chỉ có khoa học công nghệ, chỉ có các sản phẩm mang hàm lượng chất lượng cao mới có thể gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam tại các thị trường trên, đồng thời mang đến lợi ích to lớn cho Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

    Ngoài ra, để đón đầu kịp thời các thách thức mà Hiệp định EVFTA và EVIPA mang lại; OIC NEW luôn đặt tôn chỉ tôn trọng pháp luật lên hàng đầu, làm đúng, đủ và chuẩn chỉ các quy tắc quốc tế và Việt Nam về lao động, sản xuất cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ. Từ đó, mong muốn có thể mang các sản phẩm trí tuệ Việt Nam vươn xa hơn đến thị trường quốc tế. 

    Háo hức nhưng cần thận trọng

    Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực là đòn bẩy kích thích cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và Vina T&T nói riêng vào EU. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh ổn định, sản lượng hàng nông sản xuất sang EU tăng lên, nhiều doanh nghiệp sẽ hào hứng đầu tư. Thêm nữa, châu Âu không giống như các thị trường khác, không hạn chế bất cứ mặt hàng nông sản nào nên đây là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp đa dạng mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group.

    Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, EVFTA sẽ mở ra hạn ngạch xuất khẩu gạo hơn 80.000 tấn trong năm 2020 với thuế suất giảm từ 5%-35% về mức 0%, tức là khả năng cạnh tranh sẽ rất lớn về giá thành.

    Với ngành dệt may, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Vì thế, dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực rất triển vọng.

    Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 cho biết: “Với EVFTA, các sản phẩm của May 10 vào châu Âu sẽ được giảm thuế theo lộ trình 4,6 và 8 năm, làm tăng sức cạnh tranh về giá, thúc đẩy tỷ trọng xuất khẩu. Nhiều năm qua, May 10 có kinh nghiệm làm việc với các khách hàng châu Âu, tỷ trọng tăng trưởng hàng năm khoảng 7-10% nhưng đó là câu chuyện chưa giảm thuế. Nếu giờ giảm thuế về 0% hay giảm theo lộ trình thì đây là cơ sở để May 10 nâng mức tăng trưởng đối với thị trường này”.

    Ông Đỗ Văn Hợi, Giám đốc một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở Tuyên Quang  cũng chia sẻ, mặc dù thị trường chính của doanh nghiệp là Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia nhưng với việc EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp này sẽ cân nhắc việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Ông cho biết: “Doanh nghiệp đang cân nhắc việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU để phát huy những lợi thế cạnh tranh của EVFTA mang lại, trước mắt sau khi dịch được kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ tìm các đối tác ở châu Âu”.

    Tuy háo hức với những cơ hội “vàng” nhưng hầu hết doanh nghiệp đều xác định được những khó khăn, thách thức mà EVFTA mang tới.
     

    Lưu Đoàn - Thu Trang (thực hiện - tổng hợp)
    Ý kiến của bạn