EVIPA: Cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ là thách thức với Việt Nam?
Doanh nghiệp kiện Chính phủ, Chính phủ kiện Chính phủ là chuyện xưa nay hiếm nhưng với EVFTA và EVIPA điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Việt Nam có thể còn phải đối mặt với khó khăn của việc chưa chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu các chuyên gia, nguồn nhân lực cũng như năng lực và bộ máy để giải quyết tranh chấp theo cơ chế ngoài tòa án
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư (ISDS) trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới luôn mang yếu tố đặc thù bởi chủ thể tham gia tranh chấp không chỉ các quốc gia ký kết hiệp định mà nhà đầu tư mang quốc tịch của nước ký kết được trao quyền khởi kiện chính phủ nước tiếp nhận khoản đầu tư của họ.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là một FTA thế hệ mới với nhiều nội dung tự do hoá thương mại và cấp độ hội nhập sâu rộng, cấp tiến hơn các hiệp định tương tự trước đây.
Với EVIPA sẽ có một khuôn khổ pháp lý và nâng cao cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU, nhưng cùng lúc cũng tạo ra rất nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, EVIPA cũng dự liệu một cơ chế khác mềm dẻo hơn: Cơ chế trung gian, để xử lý các vấn đề liên quan tới các biện pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và thương mại song phương.
Khác với CPTPP, EVIPA khuyến khích các bên lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp thân thiện như: thương lượng, trung gian hòa giải hoặc tham vấn. Các quy định về tham vấn và thương lượng của EVIPA được thiết kế rất chi tiết, đặc thù và không giống với bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào mà Việt Nam đã ký kết.
PGS TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa luật quốc tế, Đại học luật TP HCM, Cố vấn cao cấp VICTORY LLC cho biết thách thức này không đến từ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành. Vì về cơ bản quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ đầu tư đã tương thích với các cam kết trong EVIPA.
Nhưng, các thách thức lại chủ yếu đến từ việc tuân thủ và thực thi các cam kết của các Hiệp định và việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư vốn ngày càng hoàn thiện theo quy định của các Hiệp định.
“Vẫn còn rất nhiều những thách thức đến từ chính cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định, cụ thể: quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử bởi Chính phủ, cũng như sự độc lập và khách quan của những ứng viên không mang quốc tịch Việt Nam; áp lực lớn hơn của thời gian tố tụng và rủi ro của việc cơ chế trọng tài thường trực sẽ hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư trong việc sử dụng cơ chế này; việc phải thực thi phán quyết trọng tài như phán quyết của tòa án trong nước khiến Tòa án Việt Nam không thể xem xét lại phán quyết; cơ chế minh bạch hóa sẽ dẫn tới việc tất cả các phán quyết được công khai trước công chúng; chưa kể tới áp lực của việc phải nâng cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thông qua hòa giải và thương lượng vốn chưa phát triển và phổ biến ở Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về cơ bản mục đích của việc xây dựng các điều ước đầu tư quốc tế được xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi họ thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài.
“Nhưng các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, nhìn chung sẽ không được hưởng lợi từ các cơ chế giải quyết tranh chấp này nếu có tranh chấp với nhà nước”, PGS.TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa luật quốc tế, Đại học luật TP HCM, Cố vấn cao cấp VICTORY LLC đưa ra lưu ý.
Theo quan điểm của ông Dũng, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ cần phải nắm bắt các nguyên tắc và quy định của các điều ước bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và quốc gia liên quan.
“Nếu đầu tư sang các thị trường như Úc, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Canada, Chile … các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải nắm các quy định về ưu đãi và bảo hộ đầu tư của hiệp định CPTPP; nếu đầu tư sang thị trường EU thì sẽ phải biết về EVIPA và tương tự nếu đầu tư vào Hàn Quốc thì sẽ là KVFTA”, ông Dũng khuyến nghị.
Đỗ HuyềnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.