EVN mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ của người dân
Triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (13h đến 15h00) và tối (21h00 đến 23h00) sẽ góp phần giảm tiêu thụ điện.
Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 và mục tiêu- nhiệm vụ công tác tháng 7 năm 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 6 đạt 28,2 tỷ kWh.
Lũy kế 6 tháng năm 2025, sản lượng toàn hệ thống đạt 155,79 tỷ kWh trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 1,04 tỷ kWh và công suất lớn nhất đạt 51.672 MW.
Tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm như sau: Thủy điện: 36,5 tỷ kWh, chiếm 23,4%; Nhiệt điện than: đạt 84,6 tỷ kWh, chiếm 54,3%; Tua bin khí: 10,27 tỷ kWh, chiếm 6,6%; Năng lượng tái tạo: 20,98 tỷ kWh, chiếm 13,5% (trong đó điện mặt trời đạt 13,63 tỷ kWh, điện gió đạt 6,71 tỷ kWh) và điện nhập khẩu: 3,24 tỷ kWh, chiếm 2,1%.
Sản lượng điện truyền tải tháng 6/2025 ước đạt 22,7 tỷ kWh; lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 124,7 tỷ kWh, trong đó công suất truyền tải tối đa qua giao diện Bắc - Trung đạt 3.959 MW và giao diện Trung - Nam đạt 5.625 MW.

EVN khuyến cáo người dân tiết kiệm điện.
Đối với hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực chủ động bám sát đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến thay đổi mô hình tổ chức đến khách hàng nhằm tránh các hành vi mạo danh; Đảm bảo hoạt động dịch vụ khách hàng liên tục, ổn định; thống nhất mô hình tổ chức và chuyển đổi quản lý dữ liệu, giữ nguyên mã khách hàng, cập nhật đơn vị hành chính mới...
Đến nay, tất cả các Tổng Công ty Điện lực đã hoàn thành việc thống nhất mô hình tổ chức và công tác giao tiếp khách hàng; dịch vụ điện được duy trì ổn định; công tác lập hóa đơn, thu tiền, chăm sóc khách hàng qua các kênh trực tuyến và tổng đài thực hiện bình thường, không bị gián đoạn...
Để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống, EVN rất mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (13h đến 15h00) và tối (21h00 đến 23h00).
Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chi bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 270C trở lên; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm điện cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Các cách tiết kiệm điện vào cao điểm nắng nóng
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thành phố Hà Nội, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố liên tục tăng.
Cụ thể, nếu như ngày 6/7, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 79,704 triệu kWh, thì sang ngày 7/7, con số này đã tăng lên 91,081 triệu kWh - tức tăng hơn 14,2%. Đáng chú ý hơn, đến ngày 8/7, sản lượng điện tiếp tục tăng vọt lên 100,272 triệu kWh, tăng thêm 10,09% so với ngày trước đó.
Ngành điện cũng khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương. Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, nâng cao tuổi thọ cũng như tiết kiệm điện và chi phí.

Sử dụng các thiết bị điện đúng cách cũng sẽ giúp tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng.
Theo EVNHANOI, một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên.
Lưu ý sử dụng các thiết bị điện như: đặt điều hòa ở mức nhiệt độ từ 26–28°C, ưu tiên chế độ Sleep vào ban đêm, kết hợp sử dụng quạt và đóng kín cửa phòng để tránh thất thoát nhiệt.
Về lâu dài, EVNNPC khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh có điều kiện phù hợp nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí điện sinh hoạt, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội vừa chính thức ra mắt dịch vụ bản đồ số các đơn vị hành chính mới của Thủ đô trên nền tảng 'Công dân Thủ đô số' (iHanoi).