FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 2 vừa qua tiếp tục giảm tháng thứ 7 liên tiếp.
Ngày 8/3, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 2 vừa qua tiếp tục giảm, tháng thứ 7 liên tiếp, do giá tất cả các loại ngũ cốc chính đều thấp hơn bù lại cho sự tăng giá đường và thịt.
Chỉ số giá của FAO theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu.
Theo báo cáo của FAO, chỉ số này trong tháng 2 vừa qua đạt trung bình 117,3 điểm, giảm so với mức 118,2 điểm trong tháng trước đó, và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
“Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 2 giảm 5% so với tháng trước đó, thấp hơn 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái khi dự báo về vụ mùa bội thu ngô ở Nam Mỹ và giá cả cạnh tranh mà Ukraine đưa ra”, FAO cho hay.
Cũng theo FAO, giá dầu thực vật trong tháng trước cũng giảm 1,3% so với tháng 1, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh triển vọng nguồn cung dồi dào ở Nam Mỹ. Giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng giảm do nguồn cung xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, chỉ số giá đường trong tháng 2 vừa qua lại tăng 3,2% so với tháng trước đó, phản ánh mối lo ngại dai dẳng về sản lượng tại Brazil (nước sản xuất đường hàng đầu thế giới) và dự báo sản lượng giảm ở Thái Lan và Ấn Độ.
Chỉ số giá thịt của FAO tăng 1,8% so với tháng 1, trong đó giá thịt gia cầm tăng nhiều nhất, tiếp theo là thịt bò. Nó bị ảnh hưởng bởi mưa lớn làm gián đoạn việc vận chuyển gia súc ở Úc.
Chỉ số giá sữa tăng 1,1% do nhu cầu nhập khẩu bơ tăng từ người mua châu Á. Ngoài ra, giá sữa bột và phô mai cũng ghi nhận mức tăng nhẹ.
Trong báo cáo riêng về cung và cầu ngũ cốc, FAO đã nâng ước tính sản lượng ngũ cốc năm 2023 thêm 1,1% so với năm trước đó, lên 2.840 triệu tấn nhờ nguồn cung ngô tại Brazil, Trung Quốc và Mỹ tăng.
Trong năm nay, FAO dự báo sản lượng lúa mỳ tăng 1% so với năm ngoái, lên 797 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi ở Bắc Mỹ và Nga (nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới) cũng như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thương Huyền (tổng hợp)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.