FAO: Giá lương thực toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 12 tháng

Đầu tư và Tiếp thị
09:32 AM 10/07/2021

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới giảm trong tháng 6, lần đầu tiên trong 12 tháng qua. Điều này có thể giảm nhẹ gánh nặng cho người tiêu dùng và giảm bớt áp lực lạm phát.

FAO cho biết, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 6 đạt trung bình 124,6 điểm, giảm 2,5% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn 33,9% so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân của sự giảm giá lương thực lần này là do giá dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa giảm.

FAO: Giá lương thực toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 12 tháng - Ảnh 1.

Giá lương thực thế giới giảm lần đầu tiên trong năm nay. (Ảnh minh họa)

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 9,8% trong tháng 6, một phần do giá dầu cọ giảm, bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng tăng sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu và thiếu nhu cầu nhập khẩu tươi. Giá dầu đậu nành và dầu hướng dương cũng giảm. 

Chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,6% trong tháng 6 so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ngô giảm 5,0%, một phần do sản lượng cao hơn dự kiến ở Argentina và điều kiện cây trồng ở Mỹ được cải thiện. 

Giá gạo quốc tế cũng giảm trong tháng 6, chạm mức thấp nhất trong 15 tháng do chi phí vận tải cao và tình trạng thiếu container tiếp tục hạn chế doanh số xuất khẩu. Giá sữa giảm 1,0% hàng tháng, với tất cả các yếu tố của chỉ số đều giảm. Bơ ghi nhận mức giảm mạnh nhất do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm nhanh và tồn kho tăng nhẹ, đặc biệt là ở châu Âu.

Hai loại hàng hoá còn lại trong rổ thực phẩm của FAO là đường và thịt có giá đi ngược lại xu hướng. Giá đường đã tăng 0,9% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng tháng thứ 3 liên tiếp và đạt mức đỉnh mới kể từ tháng 3/2017. Theo FAO, điều kiện thời tiết bất lợi tác động đến năng suất cây trồng ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, đã đẩy giá đường lên cao. Cuối cùng, giá thịt theo FAO ghi nhận đã tăng 2,1% trong tháng 6, tức tháng thứ chín liên tiếp.

Ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới giảm nhẹ trong năm nay chủ yếu do dự báo sản lượng ngô của Brazil cắt giảm mạnh khi thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến kỳ vọng về năng suất. Triển vọng sản xuất lúa mì toàn cầu cũng giảm trong tháng này, do thời tiết khô hạn ở Cận Đông làm ảnh hưởng đến triển vọng năng suất ở đó. Ngược lại, dự báo về sản lượng gạo toàn cầu năm 2021 lại tăng.

Dự báo về việc sử dụng ngũ cốc thế giới trong năm 2021-2022 đã giảm 15 triệu tấn so với tháng trước xuống còn 2,810 tỷ tấn, vẫn cao hơn 1,5% so với năm 2020-2021. Dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ 2021-2022 dự kiến sẽ tăng trên mức mở cửa lần đầu tiên kể từ năm 2017-2018. FAO cho biết, dự trữ ngô cao hơn dự kiến ở Trung Quốc chiếm phần lớn trong đợt điều chỉnh tăng của tháng này đối với tồn kho ngũ cốc thế giới.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn