FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Tọa đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA”.
Tham dự Tọa đàm có Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR; ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Buổi Toạ đàm còn có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Viện nghiên cứu châu Âu, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam và hơn 70 nhà hoạch định chính sách, học giả, nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai và TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm lược nội dung Báo cáo "FDI của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA".
Báo cáo làm rõ các vấn đề chủ đạo như: Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Việt Nam; các nhân tố ảnh hưởng tới dòng FDI của EU vào Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và bối cảnh thế giới mới; cơ hội và thách thức của EVFTA, EVIPA đối với FDI của EU trong bối cảnh mới và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA.
Theo nhóm nghiên cứu, EVFTA và EVIPA được đàm phán giữa bối cảnh quan hệ song phương ngày càng phát triển tốt đẹp, thực chất và sâu sắc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai hiệp định này được kỳ vọng trở thành cú huých đối với cả thương mại và đầu tư của Việt Nam, qua đó mở rộng cơ hội trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực.
Trong những năm qua, mặc dù là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng nguồn vốn FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của hai bên. Bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và EU thực thi EVFTA và EVIPA sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong việc thu hút FDI của doanh nghiệp EU vào Việt Nam.
Là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng FDI tiếp theo vào Việt Nam và cũng giúp nâng cao chất lượng các dự án FDI. Điều này phù hợp với định hướng của Việt Nam trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và công bố báo cáo về FDI của EU vào Việt Nam là hết sức cần thiết trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA, cũng như trong điều kiện mới của nền kinh tế thế giới và trong nước.
EVFTA được đánh giá là Hiệp định tham vọng nhất mà Việt Nam từng tham gia; đồng thời cũng là FTA có mức độ cam kết cao nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. FTA này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu chủ nghĩa bảo hộ và khuyến khích sự cởi mở, hợp tác và phối hợp, tạo môi trường thuận lợi và ổn định để kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, EVIPA được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia thành viên EU.
Việc thực thi EVFTA và sắp tới tới đây là EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với dòng FDI của FDI của EU vào Việt Nam bởi EU hiện đang là đối tác kinh tế lớn và đầy tiềm năng của Việt Nam. Ngoài ra, là một FTA thế hệ mới với các cam kết vượt ra ngoài việc xoá bỏ thuế quan, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút dòng FDI chất lượng cao thông qua cải cách thể chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, việc thực thi EVFTA và EVIPA cũng mang lại cho Việt Nam nhiều thách thức trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp EU, nhất là trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế EU có nhiều biến động như hiện nay. Những lợi thế mà EVFTA mang lại chỉ là ngắn hạn khi các đối thủ chính trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Phillpines cũng đang tích cực đàm phán FTA với EU; trong khi EU hướng tới một FTA chung với cả khu vực ASEAN. Ngoài ra, việc thực thi Hiệp định này còn dẫn tới những áp lực và chi phí liên quan tới cải cách thế chế, chính sách, hay thậm chí làm giảm dòng FDI vào Việt Nam nhất là trong bối cảnh dòng FDI toàn cầu đang suy giảm và có tính chọn lọc hơn…
Xuyên suốt buổi Tọa đàm, các nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà nghiên cứu,… đã đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan đến nhiệm vụ tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA và EVIPA, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng xử lý các tranh chấp phát sinh theo khuôn khổ Hiệp định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.