Fed sắp chấm dứt một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất trong lịch sử
Các hợp đồng hoán đổi tiền tệ kỳ hạn 3 tháng mà Fed triển khai từ mùa xuân năm ngoái đã giúp ngăn chặn khủng hoảng mà không hề tốn kém chi phí.
Có thể bạn không để ý, nhưng tuần trước nhiều NHTW lớn đã thông báo ngừng giao dịch 1 công cụ đã cung cấp hàng trăm tỷ USD cho thị trường và giúp ngăn chặn 1 cuộc khủng hoảng khan hiếm đồng USD trong mùa xuân năm ngoái.
Các hợp đồng hoán đổi tiền tệ kỳ hạn 3 tháng giữa Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW khác sẽ biến mất từ ngày 1/7 tới đây. Hợp đồng hoán đổi kỳ hạn 7 ngày vẫn sẽ được tiếp tục. Các NHTW cho biết họ có thể khôi phục lại kỳ hạn dài hơn nếu cần thiết.
Kể từ khi bắt đầu triển khai từ mùa xuân năm ngoái, các hợp đồng hoán đổi tiền tệ kỳ hạn 7 ngày và 3 tháng có tổng giá trị hơn 1.000 tỷ USD đã được thực hiện. Vào lúc đỉnh điểm, gần 450 tỷ USD đã được hoán đổi chỉ trong 1 ngày mà chủ yếu là với NHTW Nhật Bản và NHTW châu Âu ECB. Hiện nay con số đã giảm xuống còn chưa đến 1 tỷ USD.
Mùa xuân năm ngoái, Fed đã tung ra một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải tỏa cơn khát USD trên thị trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. Các biện pháp bao gồm các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với một loạt các NHTW nước ngoài.
Giống như các hợp đồng hoán đổi đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, Fed không mất bất cứ chi phí nào. Một NHTW nước ngoài có thể hoán đổi một lượng nội tệ sang USD ở mức tỷ giá đang lưu hành trên thị trường ở thời điểm đó và sau đó đổi lại vẫn ở tỷ giá đó. Fed chỉ mất thời gian và chi phí nhân lực để sắp xếp các hợp đồng này.
Các hợp đồng hoán đổi tiền tệ đã không chỉ giúp thị trường giảm bớt căng thẳng mà dường như còn hoạt động tốt hơn so với trước đây. Đầu tháng 1/2020, 1 nhà đầu tư Nhật Bản mua trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm và phòng vệ trước rủi ro tỷ giá bằng hợp đồng hoán đổi tiền tệ kỳ hạn 3 tháng sẽ nhận được lợi suất thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với trái phiếu nội địa. Còn tính đến ngày 22/4 năm nay, nếu sử dụng chiến lược tương tự, lợi suất tăng thêm 1,16 điểm phần trăm.
Vì thế chính sách của Fed đã góp phần khiến các tài sản Mỹ - không chỉ trái phiếu chính phủ mà cả trái phiếu và cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành – trở nên rẻ hơn và an toàn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Điều này đặc biệt hữu ích với các quỹ hưu trí Nhật Bản luôn tìm cách đa dạng hóa danh mục nhưng trước đây vẫn lo ngại rủi ro tỷ giá.
Nhưng vẫn còn tồn tại 1 câu hỏi: Liệu có thể trông cậy vào Fed trong tương lai? Rõ ràng là Mỹ vẫn muốn ngăn chặn những biến động quá mạnh trên thị trường quốc tế, nhưng Fed không phải là cơ quan chịu trách nhiệm về sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế.
Ở thời điểm hiện tại, dường như Fed đang cảm thấy thoải mái với vai trò là người cho vay cuối cùng. Để đạt được mục đích đó, Fed muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng càng nhanh càng tốt và cải thiện tình trạng bất cân xứng dai dẳng trên thị trường toàn cầu, tất nhiên là bằng những cách sẽ không khiến nước Mỹ phải tiêu tốn bất cứ thứ gì.
Tham khảo Wall Street Journal
Thu HươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.