Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh - “Hương vị miền đất phúc”
Tối 25/8, UBND tỉnh đã khai mạc Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024. Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hương vị miền đất phúc” đã tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho nhân dân và du khách.
Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, xây dựng quê hương anh hùng
Phát biểu khai mạc Festival, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh là tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL, có diện tích tự nhiên 2.391km2, với chiều dài bờ biển 65km; diện tích vùng nội thủy và lãnh hải khoảng 6.000km2; tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với 106 xã, phường, thị trấn, 755 ấp, khóm; dân số trên 1,1 triệu người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 67,76%, dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,66% và một số dân tộc khác chiếm 0,05%; các dân tộc theo nhiều tôn giáo, tín ngưỡng cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cốt cách của con người Trà Vinh hiền hòa, thân thiện, mến khách, cần cù, ham học hỏi, lao động, sáng tạo, là quê hương, xứ sở, địa danh Anh hùng trong công cuộc giải phóng dân tộc được Đảng, Nhà nước phong tặng 8 chữ vàng "Toàn dân, nổi dậy, đoàn kết, lập công" đã tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè, du khách trong và ngoài nước khi đến với Trà Vinh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá, năm 2023 tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,25%, GRDP bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng/người; 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP đạt 10,27%. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng NTM với quyết tâm chính trị cao, đến nay có 100% xã đạt chuẩn NTM, 51 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (chiếm 60% xã), 9 xã NTM kiểu mẫu; có 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, có 2 huyện (Cầu Kè, Tiểu Cần) đạt chuẩn NTM nâng cao và đến nay tỉnh Trà Vinh đạt 8/8 nội dung tỉnh NTM theo quy định, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương xem xét, công nhận.
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 318 sản phẩm đạt OCOP, trong đó: 266 sản phẩm đạt 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao. Ngoài ra, Trà Vinh đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án Hạ tầng Hồ chứa nước ngọt nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt; dự án Xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; dự án Xây dựng cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh; dự án Khu bến tổng hợp thuộc Khu kinh tế Định An; dự án Cầu Đại Ngãi; các dự án điện gió, dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh thuộc Khu kinh tế Định An…
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, công tác dân tộc, tôn giáo luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát huy, làng quê yên bình, điều đó cũng là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện để các nhà đầu tư mạnh dạn, an tâm đầu tư vào Trà Vinh.
Bảo tồn và phát huy giá trị dừa sáp thành đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa giao thoa, đa dạng, có nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống như: Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, Cúng biển Mỹ Long...
Tỉnh có trên 350 cơ sở thờ tự, trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer cùng những di tích lịch sử, kiến trúc, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa. Tỉnh nằm giữa hai hạ lưu sông Tiền và sông Hậu với nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú; ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng, trong đó có dừa sáp Trà Vinh.
Trên vùng đất Cầu Kè Trà Vinh, quê hương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), quê hương của "Bà mẹ cầm súng" đã đi vào thơ ca; được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp, người dân chăm chỉ vun trồng đã cho ra nhiều loại cây trái, đặc sản, trong đó đặc biệt nhất là Dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh có nguồn gốc cách đây 100 năm, theo tài liệu ghi chép và được lưu giữ, vào năm 1924, Hòa thượng Thạch Sô đã mang giống dừa từ nước ngoài về trồng tại huyện Cầu Kè, và nơi đầu tiên cây dừa sáp được trồng là chùa Botumsakor (Bô Tum Sa Cô) - (dân địa phương quen gọi là chùa Chợ của thị trấn Cầu Kè). Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của địa phương vùng đất Cầu Kè, nên cây dừa đã cho trái sáp và qua quá trình biết bảo tồn và phát huy giá trị, dừa sáp đã trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh.
Về hình thức, dừa sáp cũng giống như những trái dừa bình thường khác, tuy nhiên, bên trong lớp cơm dừa sáp dày, mềm, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc. Dừa sáp hiện là một trong các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, vì thế dừa chiếm diện tích trồng trọt lớn ở huyện Cầu Kè.
Những năm gần đây, dừa sáp trở thành loại cây trồng được chú trọng và không ngừng tăng diện tích, sản lượng bởi dừa sáp được chế biến thành các món ăn ngon, bổ dưỡng khác nhau với hương vị đặc trưng mà khi thưởng thức sẽ làm thực khách nhớ mãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, với những giá trị mà dừa sáp mang lại, vào tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh chính thức được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam). Đặc biệt ngày 05/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận "Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là: CÂY DỪA VIỆT NAM" và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm: Quả dừa sáp Trà Vinh; nhãn hiệu chứng nhận Dừa sáp Trà Vinh cho giống dừa sáp giống và logo chỉ dẫn địa lý hướng tới xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "Trà Vinh" cho sản phẩm dừa sáp của tỉnh Trà Vinh ra thị trường nước ngoài. Đây là điều kiện tốt nhất để dừa sáp Trà Vinh phát triển và lan tỏa vươn xa trong tương lai.
Đồng thời, trong thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng phát triển hàng trăm sản phẩm có giá trị liên quan đến cây dừa. Riêng đối với dừa sáp, có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao (kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp Cacao) và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao (dừa sáp sợi) và đặc biệt là dừa sáp được chế biến rất nhiều món ăn ngon tốt cho sức khỏe. Theo Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho rằng, Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 diễn ra từ ngày 25-31/8 (nhằm ngày 22-28/7 AL), với 12 hoạt động chính, trong đó có các hoạt động nổi bật như: Khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh; Hội thảo về cây Dừa sáp; Trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon của tỉnh Trà Vinh; Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; khai mạc Tuần lễ Vu lan Thắng hội gắn với công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia... là dịp để người dân trong và ngoài tỉnh được trải nghiệm, tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm; là dịp để các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Văn DươngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.