Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt
Tối 10/12, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023. Festival Tôm Cà Mau là sự kiện có quy mô khu vực và lần đầu tiên được tỉnh Cà Mau tổ chức.
Cà Mau xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư
Phát biểu khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, Cà Mau là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển, với bờ biển dài 254km; vùng biển rộng trên 80.000 km2, có 3 cụm đảo gần bờ gồm: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Cà Mau cũng là nơi có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL; hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, ngập lợ ven biển và rừng Tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ động, thực vật phong phú, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar của thế giới. Đây là tiềm năng, là điều kiện cho phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 600.000 tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. Ngành tôm Việt thành công tiến thẳng vào các thị trường khó tính một phần cũng nhờ vào các sản phẩm tôm lúa, tôm sinh thái, hữu cơ.
Tỉnh Cà Mau tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, rừng, trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm - lúa, tôm - rừng... và đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Ngày nay, con tôm đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, Festival không chỉ là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch mà còn là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống; tôn vinh những người đã có công đóng góp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật góp phần sản xuất ra nhiều sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị gia tăng cao; tôn vinh những người đã có công góp phần đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới và cũng trân trọng tri ân đến người tiêu dùng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm Tôm Cà Mau.
Chuỗi sự kiện còn là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản và những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của các địa phương Cà Mau đã trở thành những sản phẩm OCOP vô cùng độc đáo, mang nhiều giá trị văn hoá bản địa đã theo chân người đi mở cõi, khai phá vùng đất Cà Mau; sự kiện cũng giới thiệu những sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương trong khu vực ĐBSCL và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Biến tiềm năng, lợi thế và thách thức thành cơ hội, đưa Cà Mau bứt phá đi lên
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và đánh cao những thành tích vượt khó của tỉnh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của nước ta ước đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia.
Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong ba năm gần đây). Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có trên 1.300 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó giúp người nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, những kết quả đạt được từ con tôm và các sản phẩm OCOP nêu trên là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Đó là giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, phụ thuộc một số thị trường lớn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định...
"Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng ĐBSCL" - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo.
Với tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Cà Mau bứt phá đi lên.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.