Forbes: Xe đạp điện sản xuất tại Việt Nam với tham vọng... thay thế ô tô
Modmo đã chọn TP.HCM là nơi đặt trụ sở và nhà máy sản xuất xe đạp điện của mình. 2 mẫu xe đầu tiên của hãng được đặt tên là Saigon+ và Saigon S.
Theo Forbes, Việt Nam từ lâu được biết đến như một trung tâm sản xuất quần áo, giày dép nhưng đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ trong các chuỗi cung ứng giá trị cao. Câu chuyện thành công của Modmo là minh chứng mạnh mẽ cho tiềm năng của Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao.
Modmo được sáng lập bởi một người đàn ông Ireland 24 tuổi có tên Jack O’Sullivan với tham vọng không hề viển vông là tạo ra chiếc xe đạp điện tốt nhất thế giới. Theo O'Sullivan, những chiếc xe này có thể thay thế ô tô.
Modmo Saigon có giá bán 2.500 euro
Modmo vừa giao hàng thành công 100 chiếc xe đạp với 2 model mang tên Saigon (giá 2.499 euro) và Saigon S (giá 1.599 euro). Việc chúng được sản xuất tại Việt Nam đến từ cơ duyên. O’Sullivan có một chuyến du lịch đến Trung Quốc vào năm 2018 để tìm kiếm đối tác sản xuất mẫu xe điện do anh sáng tạo ra. Mặc dù vậy, anh không tìm ra bất cứ đối tác phù hợp nào. Khi có một người bạn khuyến nghị anh thử tìm kiếm "vận may" tại Việt Nam, anh đã đặt một chuyến đi với thời gian chỉ 2 ngày. Tuy nhiên, chính chuyến đi này đã thay đổi tất cả.
"Nó làm thay đổi tâm trí tôi", anh so sánh xưởng sản xuất xe máy tại TP.HCM so với những gì anh thấy được tại Trung Quốc. "Mọi thứ được tổ chức gọn gàng, và tất cả các mối hàn được thực hiện bởi robot".
Không phải tất cả quá trình phát triển chiếc Saigon đều được làm tự động. Đây cũng là "điểm yếu" mà O’Sullivan phải thừa nhận. Tuy nhiên, anh lại bất ngờ về tay nghề, giá nhân công rẻ và thời gian dành cho công việc của con người nơi đây. Chẳng hạn, mặc dù bộ khung của xe đạp Modmo được hàn bởi robot, họ vẫn cần thêm 17 tiếng với các thao tác thủ công để tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
Tài năng của những người thợ tại Việt Nam là lý do lớn khiến O’Sullivan quyết định đặt nhà xưởng tại đây. Một trong những nhân công đầu tiên của anh là một kỹ sư người địa phương. Anh này chưa từng thiết kế xe đạp điện trước đó. Tuy nhiên, anh lại sở hữu những điểm mà O’Sullivan cho là "đặc thù" của người Việt Nam: cởi mở và ham học hỏi.
"Con người ở Việt Nam không coi rào cản ngôn ngữ là trở ngại", O’Sullivan nói. "Có một loại tài năng tiềm ẩn ở đây bởi vì tôi chắc chắn một trong những chàng trai này có thể làm việc cho Apple, nhưng họ không thực sự kết nối các ý tưởng mà họ có". Bí quyết nằm ở chỗ, O’Sullivan nói, tìm ra cách để kết nối cách ý tưởng đó để tạo ra sự gắn kết và đột phá. Rất nhiều những ý tưởng sáng tạo đó xuất hiện trên chiếc Saigon và 47 linh kiện để tạo ra nó.
Jack O'Sullivan (ở giữa) kiểm tra phần khung của xe đạp điện Modmo tại nhà xưởng của hãng ở TP.HCM.
Chiếc xe đạp điện này sử dụng pin rời với bộ khung hình oval, cho khả năng di chuyển quãng đường lên đến 200 km cho mỗi lần sạc. Nó sử dụng motor 250 Kw 5 cấp độ. Tốc độ, thời lượng pin, khoảng cách đã di chuyển được hiển thị trên màn hình. Bạn cũng có thể kết nối GPS, Bluetooth và 4G. Bạn cũng có thể lắp đặt thêm ghế trẻ em, giỏ đựng.
Với một công ty được sáng lập từ căn hộ 1 phòng ngủ như của O’Sullivan, mọi thứ đang dần tươi sáng. Ngồi trong văn phòng là một căn villa ven sông, O’Sullivan đang xem xét các giấy tờ cần thiết cho một vòng gọi vốn sắp tới. "Chúng tôi đã có những giao dịch ấn tượng. Người dùng thực sự hào hứng với những chiếc xe. Tôi kỳ vọng sẽ đạt doanh số gấp 5 lần so với năm ngoái".
Tham khảo nguồn: Forbes
Thành DuyTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.