FPT muốn đào tạo cả ngành bất động sản và du lịch, đầu tư 1.000 tỷ đồng để biến Lăng Cô thành khu giáo dục chất lượng cao ngành công nghệ
Tại Bàn tròn chuyển đổi số ở Tuần lễ Chuyển đổi số ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT IS đã tiết lộ: FPT đang dự định đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng trung tâm giáo dục chất lượng cao ngành công nghệ kiêm chuyển đổi số quốc tế tại Lăng Cô, đồng thời sẽ lấn sân qua ngành đào tạo bất động sản và du lịch.
"Chúng tôi biết rằng, thành phố Huế sắp mở rộng ra 4 lần so với hiện tại với quy hoạch vùng dựa vào hành lang Đông Tây và định hướng trở thành đô thị thông minh, đồng thời chú trọng vào y tế - chăm sóc sức khỏe - giáo dục. Và FPT muốn được đóng góp một phần, đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế biến tất cả những giấc mơ nói trên trở thành sự thật.
Hiện chúng tôi đã đặt nền móng cho ngành giáo dục của mình tại Huế, với việc thành lập 1 trường THCS và 1 trường THPT. Trong tương lai, chúng tôi muốn mở rộng hướng đào tạo, đồng thời có thể liên kết với Đà Nẵng. Hiện tại, FPT có trường đại học online là Funix và chúng tôi muốn bất cứ ai ở tỉnh Thừa Thiên Huế đều có thể học các chương trình đại học trực tuyến", ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT IS chia sẻ trong Bàn tròn chuyển đổi số ở Tuần lễ Chuyển đổi số 2021 do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
FPT đã cung cấp cho thị trường lao động 100.000 nhân lực trong mảng công nghệ thông tin và hiện tại, tập đoàn có khoảng 36.000 nhân viên. Các trường của FPT hiện đang đào tạo 60.000 sinh viên và 5.000 trong số đó đang học tập ở Đà Nẵng. Trong tương lai, FPT muốn mở rộng quy mô các trường đại học của mình ra khắp miền Trung.
Ngoài ra, FPT còn muốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Lăng Cô – Thừa Thiên Huế, nhằm xây dựng một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngành công nghệ thông tin kiêm trung tâm chuyển đổi số quốc tế. Sở dĩ, FPT chọn Lăng Cô là để chuyên gia quốc tế có thể dễ dàng ra giảng dạy và làm việc tại trung tâm, rồi quay trở lại Đà Nẵng trong 1 giờ. Ngoài chuyên gia, trung tâm còn có các sinh viên ở lại theo học. Dự định sẽ có khoảng 2.000 người làm việc và học tập tại trung tâm này.
Ở khía cạnh khác, ngoài ngành công nghệ thông tin, trong tương lai, FPT còn muốn đào tạo nhân lực cho ngành bất động sản – du lịch.
Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT IS. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
"Nhận thấy nguồn nhân lực ngành bất động sản và du lịch Việt Nam vẫn còn khá yếu và thiếu, nên FPT dự định sẽ lấn sân qua mảng này, tức chúng tôi sẽ mở các chuyên ngành về bất động sản – du lịch. Chúng tôi sẽ đào tạo nhân viên lẫn quản lý cho các công ty bất động sản và khách sạn/resort – nhà hàng", ông Phan Thanh Sơn nêu cụ thể.
Ngoài giáo dục, FPT còn muốn hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Lợi thế đầu tiên của FPT, hiện Chủ tịch Trương Gia Bình của họ đang là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam; thứ hai, họ đang thực hiện dự án chuyển đổi số lớn quy mô lớn với tôm Minh Phú, đồng thời hợp tác chặt chẽ với ‘nhà phát minh’ Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh. FPT cũng đã từng hợp tác chuyển đổi số với những công ty F&B hàng đầu Việt Nam như Vinamilk và NutiFood.
"Tại sao thịt heo Việt Nam sau khi ra thị trường có giá 40.000 đồng/kg, mà Mỹ chỉ còn 26.000 đồng. Phải chăng vì họ đã kết hợp nhiều loại công nghệ như công nghệ số hay công nghệ sinh học?!
Mục tiêu của FPT khi tham gia lĩnh vực nông nghiệp chính là muốn số hóa chuỗi cung ứng và khiến mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào thời gian – địa điểm.
Tại Năm Căn, nhiều người nuôi trồng tôm nhập giống qua điện thoại di động, sau đó thu hoạch rồi đóng gói chụp hình, nhờ thuyền đưa lên trung tâm các HTX. Tại Năm Căn xa xôi mà người dân vẫn có thể làm mọi thứ từ xa và không cần có mặt nhờ chuyển đổi số, thì chả có lý do gì người dân ở các tỉnh khác không thể", Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT IS kết luận.
Quỳnh NhưCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.