Gác lại tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ
Trong thời nào cũng vậy, những người chiến sĩ nơi tuyến đầu tổ quốc đều ít nhiều nếm trải cảm giác nhớ nhà khi phải rời xa ra đình làm nhiệm vụ dài ngày. Và, nỗi nhớ ấy càng nhiều thêm khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên mọi miền đất nước. Nhưng cho dù thế nào, những người lính vẫn vượt qua, để làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với nhân dân.
Câu chuyện gia đình Thiếu tá Đỗ Quang Tuế - Chính trị viên, Phó đồn Biên phòng Vĩnh Điều, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang là một trong số những hoàn cảnh khá đặc biệt.
Thiếu tá Đỗ Quang Tuế quê ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thúy thì ở xã Trường Sơn, cùng huyện. Hồi còn học THPT, 2 người đem lòng yêu nhau, do 2 bên gia đình đều nghèo khó, họ cùng dìu dắt, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn để thi vào đại học, xây dựng tương lai sau này. Năm 2003, Thiếu tá Tuế thi đậu vào Học viện Biên phòng, năm 2004, chị Thúy cũng thi đậu vào Trường Đại học sư phạm Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, 2 người đã quen với cảm giác xa nhau. Nhưng cho dù xa mặt, nhưng không cách lòng, mỗi tuần 1 cánh thư tình được gửi đi và nhận lại. Hoặc gọi điện thăm nhau, động viên nhau, hứa hẹn cùng "kết tóc se tơ" sau khi tốt nghiệp ra trường.
Đến năm 2008, cả 2 người đều tốt nghiệp, ra trường. Thiếu tá Tuế được cấp trên điều về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Thổ Châu, huyện Phú Quốc - thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang (Thổ Châu là 1 xã đảo xa đất liền hơn 200km). Còn chị Thúy, sau khi ra trường, nghe thông tin ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có thi tuyển công chức, chị đã vượt ngàn cây số đến nộp đơn thi, rồi được tuyển dụng vào Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, công tác cho đến nay.
Tôi không cần nói thêm thì trong chúng ta ít nhiều cũng biết Lạc Dương là 1 huyện cao nguyên thuộc miền Đông Nam bộ, điều kiện đi lại rất khó khăn. Như lời ước nguyện, năm 2009, vào kỳ phép năm, đôi bạn trẻ đã báo cáo tổ chức, đưa nhau về quê đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới. Ngày hôn lễ không thể đơn giản hơn, chỉ có 2 bên gia đình nội, ngoại vì bạn học, đồng chí, đồng nghiệp đều ở rất xa nên đành giấu hết, không dám mời một ai. Mặc dù cả 2 đều đã tròn ước nguyện, đã ra trường, có công việc làm ổn định, tiến đến hôn nhân nhưng cũng từ ngày ấy, đôi bạn trẻ trở thành "Ngưu Lang, Chức Nữ".
Là vợ chồng son nhưng không cùng một mái nhà; 1 năm 2 người chỉ gặp nhau 1 lần vào kỳ phép năm của Thiếu tá Tuế. Mối tình đẹp cho trái ngọt, năm 2011, chị Thúy sinh 1 bé trai bụ bẫm. Nhưng từ ngày sinh con, mọi gánh nặng lại đặt lên đôi vai người vợ, vừa đi làm, vừa 1 mình chăm con.
Khi được hỏi sao đồng chí không mang vợ, con về Kiên Giang sống cho vợ chồng, con cái được gần nhau, Thiếu tá Đỗ Quang Tuế cố giấu đi nỗi niềm chia sẻ: Thử hỏi có ai mà không muốn đâu. Có điều vợ tôi đã có công ăn, việc làm ngoài đó, con tôi cũng học hành ổn định, cháu nó quen trường rồi. Còn tôi, tuy được tổ chức quan tâm, nhưng do đặc thù công việc của Biên phòng, vài năm phải thay đổi đơn vị công tác và chưa có chỗ ở ổn định. Biết vào đây rồi vợ chồng, con cái ở đâu, có được gần nhau, hay mỗi người 1 nơi, lại khổ ra thêm. Hơn nữa vợ là công chức Nhà nước, vào đây biết chuyển được hay phải xin vào cơ quan mới, mà biết có xin được ở đâu hay không. Thôi thì 1 năm gặp nhau 1 lần như bao năm qua, giờ cũng quen rồi.
Họ chấp nhận sống xa cách nhau giữa thời bình. Cứ như thế ngày qua ngày, tháng tròn tháng, năm lại tròn năm, 2 vợ chồng động viên nhau vượt qua tất cả. Đầu năm 2019, chị Thúy lại sinh thêm 1 cháu gái, khỏi phải nói niềm vui "có nếp, có tẻ" của 1 người chồng, người cha, người lính nhiều năm ròng xa vợ, con như thế nào. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không như ta nghĩ. Cuối năm 2019, thấy mệt mỏi, chị Thúy vào bệnh viện kiểm tra, thì bác sĩ kết luận chị bị ung thư tuyến giáp.
Là 1 chiến sĩ Biên phòng, từng trải qua nhiều can trường trong cuộc sống, nhưng do tin dữ ập đến quá nhanh, trong lúc các con còn quá thơ dại, 2 vợ chồng ở quá xa nhau, Thiếu tá Tuế gần như sụp đổ. Đơn vị tạo điều kiện cho anh về phép đặc biệt để đưa vợ lên Viện Quân y 175, TP. Hồ Chí Minh làm các xét nghiệm, phẫu thuật khối u, tiến hành hóa trị theo phác đồ. Sau khi sức khỏe vợ ổn định, anh quay về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ của 1 người chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu.
Thiếu tá Đỗ Quang Tuế - Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thăm, tặng quà cho bà con nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành.
Thiếu tá Đỗ Quang Tuế bộc bạch, hôm chia tay vợ, con, tôi có hứa đến khi vợ tôi đi hóa trị lần 1, tôi xin phép năm về đưa vợ đi. Nhưng đùng một cái dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi phải ở lại biên giới tham gia cùng đồng đội chống dịch, ở nhà vợ tôi phải đi 1 mình. Tôi cũng gọi điện động viên, hẹn tháng 4/2021, vợ hóa trị lần 2 sẽ về đưa đi, nhưng rồi dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp hơn, nên lại lỗi hẹn. Tôi hy vọng tháng 9/2021 tới đây, vợ tôi đi hóa trị lần 3, tôi được về phép đưa vợ đi. Mà không biết diễn biến dịch bệnh thế nào? Hay lại lỗi hẹn?
Gặp Thiếu tá Đỗ Quang Tuế, qua vài giờ trò chuyện với anh, tôi thấy trong anh dường như đã hy sinh, chịu đựng khá nhiều, nén nỗi đau vào trong để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi hỏi về công việc đơn vị, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới thì anh hào hứng kể, nhưng khi hỏi về gia đình, hỏi về vợ, con, thì anh chỉ cười rồi quay mặt đi cố giấu 1 điều gì đó.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.