Gam hồng thương mại điện tử trong dịch Covid-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:16 AM 04/06/2020

Thương mại điện tử (TMĐT) giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng.

Toàn cảnh Hội thảo ''Phát triển thương mại điện tử:  Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam'' do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên

Đó là đánh giá về vai trò của TMĐT tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6.

Theo TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực.

“TMĐT giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng” - vị này nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TS Lê Xuân Sang cho biết, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 - 19/4/2020 đối với vùng châu Á

- Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiếnkhẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào TMĐT.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhìn nhận, TMĐT và kinh tế số trong 5 tháng qua tại Việt Nam với gam màu hồng là chủ đạo len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Nhất là quá trình chuyển đổi số trong thời gian dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có những bước đột phá bởi quá trình kinh tế số và TMĐT vốn là một xu hướng tất yếu.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cũng nhận định, đảo số đến đâu thì cuối cùng bản chất của kinh tế số vẫn là bản sao của thế giới thực. Nếu thế giới thực không vận hành thì mảng kỹ thuật số cũng không thể tồn tại và phát triển, dù đằng sau những bản sao đấy là những nhà toán học thông minh, những nhà bác học lỗi lạc và cả hệ thống trí tuệ nhân tạo khổng lồ thông minh nhất trên đời.

“Uber vừa rồi phải cắt giảm 600 - 700 nhân công ở Ấn Độ vì thua lỗ nặng. Như vậy, dù mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ nào cũng phải gắn với chiến lược thực của mỗi doanh nghiệp và doanh nghiệp đó phải biết chọn bản sao nào của thế giới thực để tham gia cuộc chơi” - TS Võ Trí Thành chỉ rõ.

Không hài lòng với hạ tầng công nghệ của Việt Nam sẽ kéo theo việc phát triển kinh tế số và TMĐT chậm phát triển, TS Võ Trí Thành dẫn thực tế của bản thân trong 2 tháng vừa qua, khi tham dự nhiều cuộc hội thảo trực tuyến đã bộc lộ các mô hình hội thảo trực tuyến với đường truyền có vấn đề.

Vấn đề ở đây không phải việc tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng mạng 3G, 4G hay 5G mà không hài lòng với tốc độ đường truyền và độ an toàn của đường truyền cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá giao diện online.

Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.