Gần 20 quỹ tăng tỷ trọng tiền mặt
Trong tháng 3/2025, có 19/31 quỹ tăng tỷ trọng tiền mặt, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn duy trì.
Theo thống kê từ FiinTrade, dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 1/2025 thông qua các quỹ quay trở lại trạng thái âm với giá trị rút ròng gần 4,7 nghìn tỷ đồng sau khi vào ròng nhẹ gần 200 tỷ đồng trong quý 4/2024. Xét theo tháng, tháng 3 đánh dấu tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp và là tháng có giá trị rút vốn mạnh nhất.

Dòng vốn tiếp tục rời các quỹ cổ phiếu, với gần 2,4 nghìn tỷ đồng bị rút ròng trong tháng 3 và lũy kế quý 1 là hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, hơn gấp đôi quy mô rút ròng trong quý 4/2024.
Dòng vốn duy trì vào ròng ở nhóm quỹ mở nhưng có dấu hiệu chững lại so với các quý trước, đạt 700 tỷ đồng trong quý 1/2025, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của 3 quý liền trước (3,3 nghìn tỷ đồng).
Trong tháng 3/2025, có 19/31 quỹ mở cổ phiếu tăng tỷ trọng tiền mặt so với 18/30 quỹ trong tháng 2, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn duy trì. Đáng chú ý, nhóm quỹ có quy mô NAV lớn tăng nắm giữ tiền mặt, nổi bật là quỹ Chứng khoán Năng động DC (DCDS) - với quy mô NAV (giá trị tài sản ròng) là 2,7 nghìn tỷ đồng - đã tăng mạnh tỷ trọng tiền mặt từ 5,3% lên 21,2%. Ngược lại, nhóm đẩy mạnh giải ngân và giảm nắm giữ tiền mặt là các quỹ có quy mô NAV nhỏ (đa số dưới 1 nghìn tỷ đồng).
VIB là cổ phiếu có khối lượng mua ròng lớn nhất trong tháng 3/2025, phần lớn đến từ việc quỹ PYN Elite mua 54 triệu cổ phiếu (tương đương 1,8% vốn điều lệ của VIB). VCB đứng thứ 2 top mua ròng (tính theo khối lượng) đồng thời là cổ phiếu có số lượng quỹ mua vào nhiều nhất. Trong đó, lực mua chủ yếu đến từ quỹ VEIL - quỹ có quy mô NAV lớn nhất thị trường (hơn 45 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, một số quỹ ETF như Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, ETF DCVFMVN30 cũng tham gia mua vào VCB.
Minh An (t/h)
Chiến dịch “Beloved Vietnam” đang lan tỏa trên khắp các điểm đến dịp 30/4, nơi thế hệ trẻ chọn kể lại tình yêu nước bằng hình ảnh, trải nghiệm và cảm xúc – theo cách rất riêng.