Gần 3,4 triệu người Việt Nam đã tiêm vắc xin COVID-19
Bản tin sáng ngày 28/6 của Bộ Y tế cho biết, trong ngày 27/6 có thêm 87.375 người được tiêm vắc xin COVID-19, nâng tổng số người được tiêm ở nước ta lên 3.386.607 người.
Chi tiết 87.375 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng như sau: Hà Nội 595 người; Nam Định 2.502 người; Ninh Bình 98 người; Bắc Ninh 8.655 người; Quảng Ninh 153 người; Nghệ An 4.440 người; Lạng Sơn 636 người; Cao Bằng 117 người; Quảng Ngãi 3.209 người; Ninh Thuận 563 người; Đắk Lắk 870 người; TP Hồ Chí Minh 56.511 người; Đồng Nai 159 người; Tiền Giang 1.759 người; Lâm Đồng 1.685 người; Tây Ninh 113 người; Đồng Tháp 361 người; Bình Phước 6 người; Bộ Quốc Phòng 4.943 người.
Như vậy, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 đợt 1, 2 và 3 tại các tỉnh, thành phố cho 3.386.607 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 157.136 người.
Cập nhật về các phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Vắc xin COVID-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Hiện nay đã có nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc xin phòng COVID-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc xin phòng COVID-19.
Vắc xin COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng.
Huyền My (T/h)Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.