Gần 80.000 DN cả nước tạm ngừng kinh doanh, TP.HCM chiếm 29,1%

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:40 PM 29/07/2021

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng TP Hồ Chí Minh có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. 

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Gần 80.000 DN cả nước tạm ngừng kinh doanh, TP.HCM chiếm 29,1% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đáng chú ý, trong 7 tháng từ đầu năm 2021, TP.HCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Trong số này, có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021.

Tuy nhiên cũng trong tháng 7/2021, cả nước đã có 8.740 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký 71.200 người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký so với tháng 6/2021. Đây được xem là mức giảm đáng kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 33,8%); Vận tải kho bãi (tăng 15,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 12,5%).

Bên cạnh đó, còn có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105.400 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15.100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 7 năm 2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (10.365 doanh nghiệp, chiếm 35%); Xây dựng (4.415 doanh nghiệp, chiếm 14,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Thu NSNN từ xuất nhập khẩu đạt 124.740 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm Thu NSNN từ xuất nhập khẩu đạt 124.740 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/4/2024, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 124.740 tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán được giao, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.