Gần 83.000 tỷ đồng gửi trong tài khoản tại các công ty chứng khoán

Tài chính - Đầu tư
08:48 AM 24/01/2024

Quý IV/2023, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 83.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. So với cuối quý III/2023, con số đã tăng khoảng 6.000 tỷ đồng trong vòng ba tháng cuối năm.

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán thường được các nhà đầu tư gọi là "tiền tươi", "tiền chờ"… bởi nó phản ánh cơ hội đang xuất hiện nhiều trên thị trường. Lượng tiền này đã tăng 3 quý liên tiếp, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây. Lượng tiền gửi dồi dào và tăng đều qua từng quý cho thấy mức độ sẵn sàng tham gia của nhà đầu tư vào kênh chứng khoán. 

Gần 83.000 tỷ đồng gửi trong tài khoản tại các công ty chứng khoán - Ảnh 1.

Cụ thể, Công ty chứng khoán VPS có số dư tiền gửi khách hàng lớn với gần 16.600 tỷ đồng; Công ty VNDirect có số dư đạt 6.400 tỷ đồng; TCBS với số dư tiền gửi của nhà đầu tư 5.800 tỷ đồng; SSI ghi nhận mức tiền gửi của nhà đầu tư gần 5.300 tỷ đồng; VCBS đạt 4.800 tỷ đồng; BSC có hơn 2.900 tỷ tiền gửi NĐ; tương tự SHS ghi nhận gần 2.200 tỷ tiền gửi NĐT, tăng hơn 1.100 tỷ so với cuối quý III/2023

Ở chiều sụt giảm, FPTS, KIS, KBSV và BVSC là những CTCK ghi nhận tiền gửi của nhà đầu tư thấp hơn quý trước.

Số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư tăng mạnh trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán ghi nhận sụt giảm trong những tháng cuối năm. Đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, giảm ròng hơn 530 nghìn tài khoản so với đầu quý 4.

Lượng tiền gửi quý IV/2023 tăng lên đáng kể có thể do nhà đầu tư bán bớt cổ phiếu, nâng tỷ trọng tiền mặt lên, hoặc nhà đầu tư nạp thêm tiền vào tài khoản để chờ mua cổ phiếu. Cả 2 trường hợp này đều mang ý nghĩa tích cực với thị trường, bởi nó phản ánh sự sẵn sàng tham gia và kỳ vọng vào kênh đầu tư chứng khoán.

Không chỉ lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán gia tăng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư chứng khoán cũng đã được thúc đẩy mạnh. Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý IV/2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III.

Bước sang năm 2024, triển vọng của TTCK vẫn được giới chuyên gia đánh giá tương đối khả quan. Trong bản tin thị trường mới đây, Dragon Capital cho rằng bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Tuy vậy, trong nước sẽ có những sự phục hồi đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp có đủ thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và khơi dậy ý chí đầu tư của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cam kết của Chính phủ về việc tiếp tục linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá là rất quan trọng để củng cố lòng tin của các doanh nghiệp tư nhân.

Nhóm phân tích dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm 80 doanh nghiệp lớn nhất sẽ nằm trong khoảng 16-18% và đây là tiền đề quan trọng cho việc chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024.

Nhận định về ngành chứng khoán, báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC cho rằng xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Bù lại, các công ty có thể thu hút tệp khách hàng mới và tạo tiền đề cho mảng margin. 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán. Vì vậy, DSC kỳ vọng mảng này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn