Gần 90% ngân hàng áp dụng ESG trong hoạt động
Theo thống kê của NHNN, có 80% - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là một yêu cầu bắt buộc. Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 80% - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.
Một số ngân hàng cũng đã ban hành “Khung tín dụng xanh”, “Khung khoản vay bền vững” nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lý nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít tổ chức tín dụng (TCTD) đã công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững.
Tại tọa đàm "Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng" diễn ra chiều 25/7, dưới góc độ quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Đến nay đã có 47 TCTD báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. 34 TCTD báo cáo đã thực hiện đánh giá rủi ro với dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các đại biểu tại tọa đàm cho rằng, việc ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính ngân hàng. Đối với nền kinh tế, ngân hàng có thể mang lại những tác động tích cực cho môi trường và xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững thông qua việc ưu tiên dành các chính sách tài trợ ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề ESG, hạn chế tài trợ cho các dự án có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ chế quản trị ESG trong hoạt động tín dụng cũng được xem là có khả năng định hướng cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư đến phát triển bền vững…
Đối với ngân hàng, việc thực hành các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích nâng cao uy tín, mở rộng thị phần; tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, giảm chi phí vận hành do tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; giảm áp lực pháp lý, thu hút được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư…
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực quốc tế để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam. Tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các TCTD, để thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan nhất là trong hoàn thiện khung pháp lý về ESG; sớm ban hành danh mục dự án xanh quốc gia để các TCTD có cơ sở pháp lý xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh; có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như: xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon… nhằm đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.