Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả cổ phần hóa
Dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã ảnh hưởng tới công tác triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 rất chậm
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, mới có báo cáo cổ phần hóa của 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang (phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2019). Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp sắp thực hiện cổ phần hóa, ông Phạm Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, theo Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên thì còn có 92 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc…đây đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần theo đánh giá là khá cao.
Theo cơ chế cổ phần hóa hiện hành, các doanh nghiệp này đều sẽ được công khai, minh bạch thông tin khi thực hiện bán cổ phần sẽ giúp cho các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu mua cổ phần. Mặt khác, dựa trên danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa nêu trên, các nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ với doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu để làm việc nắm bắt thêm đầy đủ các thông tin trước khi quyết định mua cổ phần.
Về tình hình thoái vốn, theo báo cáo của các đơn vị thì trong 04 tháng, có 06 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 84 tỷ đồng, thu về 241 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 318 tỷ đồng, thu về 551 tỷ đồng.
Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 4/2020: thoái 25.172 tỷ đồng, thu về 171.865 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 98 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.788 tỷ đồng, thu về 9.206 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).
Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 4/2020, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco) tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.597 tỷ đồng, thu về 52.266 tỷ đồng.
Nhìn chung tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 là chậm; đồng thời do diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã ảnh hưởng tới công tác triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh đó là một số khó khăn như cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện một số nội dung về phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị phần vốn nhà nước để thoái vốn... Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 gây tác động lớn đến thị trường tài chính, chứng khoán làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư, giảm sức hấp thụ của thị trường...
Theo Bộ Tài chính, cùng với việc duy trì hoạt động của nền kinh tế, giảm thiểu đến mức tối đa tác động của dịch bệnh COVID -19, vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã để xuất một loạt các giải pháp cụ thể. Theo đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, các cơ quan cần hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước: Vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; Rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thị trường, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đối với người lao động, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đời sống cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng phải cắt giảm tạm thời số lượng lao động, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, trợ cấp phù hợp.
Theo Enternews
Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.