“Gánh nặng” đổi màu biển số xe kinh doanh
Được kỳ vọng sẽ tạo bước “đột phá” trong công tác quản lý, vá lỗ hổng đang tồn tại, thế nhưng, Thông tư 58/2020/TT-BCA lại cho thấy nhiều bất cập nếu đưa vào áp dụng tại thời điểm hiện nay…
Trước những khó khăn doanh nghiệp đang hứng chịu từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đổi màu biển số xe có đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 58/2020/TT-BCA, quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, một trong những điểm mới của Thông tư lần này là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải. Mặc dù, sẽ tạo ra sự phân tách rõ ràng đối với các loại hình phương tiện vận tải, thuận lợi cho công tác quản lý của lực lượng chức năng, tuy nhiên, khi ngành kinh doanh vận tải đang rất khó khăn sau đại dịch COVID-19, thì việc cấp đổi biển theo quy định mới lại đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Khó khăn và phát sinh chi phí
Theo đó, tại Điều 11 Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định, đối với xe kinh doanh vận tải biển số màu trắng sẽ được phép cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp đổi, cấp lại biển số xe,… sang biển số màu vàng, chủ xe sẽ nộp giấy tờ để làm thủ tục tại Phòng CSGT cấp tỉnh nơi chủ xe đặt trụ sở hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú.
Đối với các phương tiện đăng ký mới sẽ bắt đầu cấp biển vàng từ 1/8, còn các phương tiện đã hoạt động trước 1/8 sẽ đổi sang biển vàng từ 1/8/2020 đến trước 31/12/2021. Chi phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ôtô là 150.000 đồng; sơmi rơmoóc đăng ký rời, rơ moóc sẽ là 100.000 đồng.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 1,6 triệu ô tô đang hoạt động kinh doanh vận tải, nếu thực hiện việc chuyển đổi sẽ phát sinh chi phí khoảng trên 240 tỉ đồng, số tiền này ai sẽ là người phải chịu?
Thực tế cho thấy, loại hình xe công nghệ, xe hợp đồng đang là đơn vị chịu thiệt hại nhiều nhất, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP hàng loạt các phương tiện này đã phải thực hiện gắn tem nhãn xe hợp đồng, việc này thực hiện chưa được bao lâu, nay lại tiếp tục đổi màu biển để quản lý.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 quan ngại, hiện đơn vị của ông có hơn 20.000 đối tác thành viên là các tài xế taxi công nghệ, mỗi biển số đổi màu sẽ tốn 150.000 đồng (theo quy định của Bộ Tài chính), như vậy hơn 20.000 đối tác thành viên của Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 sẽ tốn khoảng 3 tỷ đồng để đổi màu biển số.
Tạo sự bất an cho doanh nghiệp…
Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ rào cản kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Công điện số 5452/CD-VPCP, ngày 6/7 vừa qua của Văn phòng Chính phủ một lần nữa nhắc lại yêu cầu trên. Chính lúc doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì, bảo toàn lực lượng,… thì Thông tư số 58/2020/TT-BCA ra đời, liệu có phù hợp?
Thông tin với báo chí, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn không thể lý giải, tại sao quyết định đó lại đưa ra vào thời điểm này.
“Nếu cách đây 20 năm hay 10 năm, tôi có thể hiểu được, nhưng bây giờ thì không. Với sự phát triển của công nghệ, hệ thống dữ liệu thông tin, màu biển xe không còn là công cụ duy nhất để kiểm soát xe kinh doanh hay không kinh doanh. Nhưng cũng phải nói, tư duy quản lý như trên không chỉ có ở một vài nơi”, ông Hiếu nói khi giới thiệu về những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020.
Cũng theo ông Hiếu, riêng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, rất nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh từng được cho là rất cần để phục vụ quản lý, cũng được bãi bỏ, như quy định cứng về số lượng xe, màu xe, hộp đèn trên xe… Ngay quy định liên quan đến tổng đài, đồng hồ tính tiền trên xe taxi cũng đã rất khác so với 20 năm trước nhờ có sự phát triển đột phá và vô cùng nhanh chóng của công nghệ, xu thế phát triển.
“Trong bối cảnh chính sách này, doanh nghiệp đã vô cùng khó khăn vì đứt đoạn thị trường, đứt đoạn đơn hàng, vì tâm lý tiêu dùng thay đổi, thì sự dè chừng, cách ứng xử không theo xu thế phát triển của các cơ quan quản lý Nhà nước càng khiến doanh nghiệp trở nên bất an” – ông Hiếu chia sẻ.
Gia Nguyễn - Vinh ĐứcDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.