Gạo Việt duy trì phong độ của mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD
Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Theo dự báo, nguồn cung gạo toàn cầu giảm do một số quốc gia vẫn hạn chế xuất khẩu gạo và tình hình thời tiết khắc nghiệt khi mưa lũ, thiên tai, nắng hạn đã làm giảm nguồn cung lúa gạo. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc và tiếp cận thêm nhiều thị trường trong thời gian tới.
Vùng ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, mỗi năm vùng sản xuất từ 24 đến 25 triệu tấn lúa đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm qua xuất khẩu gạo đã mang về cho Việt Nam hơn 4,6 tỷ USD, tăng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu, đây được xem là năm thắng lợi của ngành hàng lúa gạo.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 3,23 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 11,7% về lượng và tăng mạnh 36,5% về giá trị. Trong tháng 4/2024, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 623 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo bình quân neo cao, ở ngưỡng 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã trúng liên tiếp một số gói thầu lớn.
Gần nhất, tại thị trường Indonesia, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã mua 300.000 tấn gạo trong một cuộc đấu thầu quốc tế. Trong lần đấu thầu này Bulog đã mua 109.000 tấn từ Việt Nam với giá từ 588-590 USD/tấn với giá thấp nhất là 585 USD/tấn.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi doanh nghiệp trúng 2 gói thầu; Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH lương thực Phát Tài, mỗi doanh nghiệp trúng 1 gói thầu.
Đi đôi với kim ngạch xuất khẩu, chất lượng gạo Việt Nam cũng được xếp vào hàng "gã khổng lồ" khi liên tiếp được vinh danh ở các hạng mục quốc tế. Tại hội nghị Thương mại Lúa gạo toàn cầu tại Cebu (Philippines), do The Rice Trader tổ chức. Gạo ST25 của Việt Nam đã xuất sắc nhận được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới 2023. Vào năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam cũng được xướng tên ở hạng mục này.
Chất lượng được nâng tầm khiến nhiều quốc gia có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm gạo Việt Nam. Nắm bắt thời cơ đó, nước ta đã mở rộng thị trường đến hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, những thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông...
Nhận định về thị trường gạo quý II/2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, giá gạo thế giới và gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân do nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái. Thái Lan cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Những tín hiệu khởi sắc xuất khẩu đầu năm đã cho thấy, vượt qua những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu tạo đà để thâm nhập thêm vào các thị trường tiềm năng khi nhiều nước vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo.
Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, minh bạch trong sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.