Gạo Việt khẳng định vị thế trên thị trường

Thị trường
12:17 PM 10/12/2020

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những cơ hội tuyệt vời cho gạo Việt. Đây là trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong nhóm nông sản, giúp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường gạo thế giới.

Giá gạo Việt xuất khẩu tăng vọt

Giá trị gạo Việt xuất khẩu tăng cao

Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Số liệu thống kê cho thấy tổng giá trị xuất khẩu nông sản từ ngày 1/8/2020 đến hết tháng 9/2020 đạt 711 triệu USD. So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 tăng 16,6% và tháng 9/2020 tăng 20,3%, trong đó gạo Việt là mặt hàng nông sản được đánh giá cao về giá trị xuất khẩu. 

Theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.

Gạo Việt khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 1.

Gạo Việt khẳng định giá trị trên thị trường thế giới

Các sản phẩm gạo Việt chất lượng liên tục được xuất khẩu (XK) đến nhiều thị trường khó tính với giá cao. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để chinh phục thị trường EU, gạo phải đáp ứng được ba yêu cầu chính là có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chuẩn; bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên 486 hoạt chất theo quy định của EU. 

“Đối với các yêu cầu này, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị từ trước qua trao đổi trực tiếp với khách hàng châu Âu, nắm rõ từng yêu cầu của đối tác. Đến nay, Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP) vào đầu năm 2020. Chính vì vậy, lượng XK gạo sang EU nói riêng và nhiều thị trường khác của Lộc Trời vẫn tăng dần đều qua từng năm”, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành lúa gạo cũng tự tin đưa mặt hàng này tăng trưởng XK ở mức cao, là điểm sáng trong bối cảnh rất nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh kim ngạch XK do Covid-19. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 11/2020, cả nước đã XK 388 nghìn tấn gạo, đem về 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị XK gạo 11 tháng lên 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 12 vừa diễn ra, gạo ST25 của Việt Nam đã vinh dự giành ngôi vị á quân tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2020”  (https://doanhnghieptiepthi.vn/gao-st25-doat-giai-a-quan-cuoc-thi-gao-ngon-nhat-the-gioi-2020-161201205105121877.htm)

Về chủng loại XK, giá trị XK gạo trắng chiếm 40,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 17,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật Bản chiếm 4,2%. Việt Nam đã giảm mạnh XK các loại gạo cấp thấp, thay vào đó là tăng cường gạo cao cấp, gạo thơm, trở thành thị trường có đủ khả năng và chủng loại gạo cao cấp cho nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, châu Âu...

Đáng chú ý, trong một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ từ mức khoảng 495 USD/tấn vào đầu tháng 11 lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng. Nguyên nhân khiến giá gạo Việt tăng bởi nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu phục vụ thị trường nội địa tăng do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước XK gạo khác như Thái Lan giảm hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến gạo Việt  trở thành một trong những lựa chọn thay thế.

Trong khi lượng XK nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của Covid-19, thì XK gạo Việt vẫn đạt được kết quả khả quan vì đây là mặt hàng thiết yếu, thị trường vẫn có nhu cầu cao. Xu hướng này dự kiến sẽ vẫn duy trì trong thời gian tới, là dấu hiệu tích cực, đóng góp tích cực cho kết quả XK những tháng cuối năm.

“Đây là thị trường còn nhiều dư địa, dự báo xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. Bộ NN và PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU. Đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các nhà máy chế biến, đóng gói gạo áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP; phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Mở rộng cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo Việt

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo XK gạo Việt trong quý I-2021 vẫn tốt khi các thị trường XK chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… Cụ thể, Trung Quốc đang tích cực chào mua gạo từ các thị trường cung cấp lớn như Pakistan, Thái Lan, Việt Nam. Bangladesh cũng thông báo mở thầu quốc tế từ ngày 26-11 đến ngày 10-12 để mua 50 nghìn tấn gạo và để ngỏ khả năng sẽ mua thêm 250 nghìn tấn, nhằm giúp hạ nhiệt thị trường gạo nước này, sau khi nguồn cung nội địa cạn kiệt vì thiên tai liên tiếp. Đây là lần đấu thầu nhập khẩu gạo đầu tiên của Bangladesh trong ba năm trở lại đây. Ngoài ra, Malaysia và Indonesia cũng đang xúc tiến mua gạo Ấn Độ và các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Việt Nam.

Cơ hội đang rộng mở cho gạo Việt là có, vấn đề còn lại là chúng ta cần tiếp tục khuyến cáo nông dân kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để gạo Việt tiếp tục thắng lớn.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước nên tập trung cho chế biến sâu, chất lượng. Quy hoạch lại vùng trồng lúa, định hướng thị trường để bán, củng cố các đầu mối XK, có thông tin và luật lệ rõ ràng. Đặc biệt, với giá lúa cao như hiện nay sẽ có tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành, tư duy ngắn hạn, sợ lúa mình bán không được nên cạnh tranh bán kiếm lời. Đây là thời cơ để tổ chức lại hoạt động XK lúa gạo.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An chia sẻ thêm, để duy trì thành tích XK gạo Việt như hiện nay nên phát triển sản xuất nông nghiệp theo kiểu trọng tâm, trọng điểm, không chỉ cho hàng XK mà cả tiêu dùng trong nước. 

Để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, duy trì vị thế của gạo Việt trên thị trường thế giới, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho chính mình để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này. Các thương nhân nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.

Huyền Thương
Ý kiến của bạn