Gạo Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng với các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Sáng 26/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đồng chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội nghị ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá.
Ông Nguyễn Anh Sơn nhận định, mặc dù hoạt động thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 và quý I/2024 đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường "khó tính" như châu Âu,… với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông.
Đánh giá một số yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay, tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 4 - 5/2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024.
"Mặc dù xuất khẩu tháng đầu năm 2024 có tín hiệu tích cực, vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024", ông Nguyễn Anh Sơn nói.
Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2024, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ,…
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; tăng cường các hoạt động vận động ngoại giao và chỉ đạo, hỗ trợ Thương vụ Việt Nam trong việc nắm thông tin, diễn biến thị trường, vận động cơ quan có thẩm quyền của các nước dành sự quan tâm đến nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại gạo với Việt Nam;…
Bộ Công Thương cũng đề nghị về phía Hiệp hội, thương nhân bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, cần nghiêm túc duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Thông tư số 30/2018/TT-BCT để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu thụ gạo trong và ngoài nước, đặc biệt đối với việc đảm bảo đầy đủ các chứng từ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc đầy đủ trong quá trình từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo không gian lận thương mại, giữ gìn hình ảnh thương hiệu, uy tín gạo Việt Nam. Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu đặc biệt lưu ý các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm do các thị trường nhập khẩu ngày càng siết chặt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu (Trung Quốc, Philippines).
Mai PhươngTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.