Gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất
Giá gạo của các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Pakistan đang đà giảm, trong khi giá gạo Việt lại vọt tăng đã đưa mặt hàng thế mạnh này của nước ta lên mức đắt đỏ nhất thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang vượt trội so với gạo từ Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đang có giá 575 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 14 USD/tấn và Pakistan 34 USD/tấn.
Gạo 25% tấm cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn lần lượt 27 USD/tấn và 22 USD/tấn so với Thái Lan và Pakistan. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất.
Nguyên nhân giá gạo tăng cao kỷ lục là do cung không đáp ứng đủ cầu, khiến giá bị đẩy lên. Chính sách giảm thuế nhập khẩu tại Philippines (từ 35% xuống 15%) đã thúc đẩy các doanh nghiệp nước này tăng cường nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, vụ hè thu sắp kết thúc và vụ thu đông sắp tới, mà đây không phải mùa thu hoạch chính trong năm, đã tạo ra tình trạng cầu vượt cung.
Có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan: 857 USD/tấn, Ukraine: 847 USD/tấn, Iraq: 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ: 831 USD/tấn... Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam chia sẻ: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 39,7% về giá trị.
Tính chung 7 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3% nhưng giá trị tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta trong 7 tháng đầu năm đã đạt 632 USD/tấn, tăng tới 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam càng lớn khi tháng 8 này, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% hiện hành xuống còn 15% của Philippines có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các khách hàng từ Philippines và Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất nhiều để mua những hợp đồng lớn…
Thời gian qua, các DN đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các DN xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Huyền My (t/h)Để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.