Gặp gỡ ICT 2023: "Trọng tâm: Xây dựng dữ liệu số quốc gia"
Ngày 16/2, tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã cùng 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức thành công sự kiện Gặp gỡ ICT - Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề "Trọng tâm: Xây dựng dữ liệu số quốc gia".
Sự kiện gặp gỡ ICT Xuân Quý Mão do Hội Tin học Việt Nam và 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức. Đây là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và bè bạn giới CNTT-TT có dịp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, khởi động cho những chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi và thiết thực trong năm 2023.
Tham dự buổi gặp gỡ có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ TT&TT; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường; ông Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC; ông Hà Thái Bảo - Phó TGĐ VNPT IT; ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách công, Công ty TikTok Việt Nam,… cùng sự hiện diện của lãnh đạo các Hội - Hiệp hội ngành CNTT-TT và đại diện các CLB các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT VN, CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói Việt và CLB Olympic Tin học Việt Nam.
Gặp gỡ ICT 2023 là sự kiện động viên, khích lệ cho giới CNTT-TT ngày càng nỗ lực phát triển và đón tiếp xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là dữ liệu cá nhân; là các cơ sở dữ liệu từ Trung ương, bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
"Năm dữ liệu 2023" sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu bao gồm tạo lập, thu thập dữ liệu; khai thác dữ liệu và xây dựng nền tảng khoa học về dữ liệu để tạo ra giá trị mới, sức mạnh mới và khi chúng ta ngồi đây trong trào lưu mới ChatGPT cũng là khởi đầu "làn sóng" khai thác kết nối dữ liệu và tri tuệ nhân tạo.
Năm 2023, sau 3 năm COVID-19, sẽ là năm các doanh nghiệp ICT Vietnam đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. "Mang tri thức công nghệ Việt Nam đi mở cõi", Nhà nước sẽ mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là nơi sẽ mang công nghệ đến với thế giới.
Đó cũng là chủ đề khởi động cơ hội mới cũng như thách thức mới về năm dữ liệu với cộng đồng ICT, Gặp gỡ ICT 2023 là sự kiện động viên, khích lệ cho giới CNTT-TT ngày càng nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành, đón tiếp xu thế chuyển đổi số toàn cầu mới mẻ và hoàn thiện hơn. Hy vọng trong năm Quý Mão 2023 này, chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển và khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của ngành CNTT-TT Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Mạnh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, người đã có 11 năm tham dự sự kiện ICT chia sẻ cảm xúc rất thiêng liêng. Ông Hải cho biết, sự kiện Gặp gỡ ICT đầu xuân hàng năm là dịp để giới CNTT-TT chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu kết nối.
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: "Hiệp hội Blockchain tuy mới thành lập nhưng cũng đã hoà nhập vào đại gia đình ICT và triển khai các công việc về phổ cập Blockchain tại Việt Nam. Khi chúng ta nói đến xã hội số, Chính phủ số thì phải nói đến công dân số. Chúng tôi đang thực hiện phổ cập các công nghệ Blockchain ứng dụng vào phát triển kinh tế dịch vụ, ứng dụng vào đời sống. Chúng tôi rất vui mừng được hoà chung vào tinh thần này của gia đình ICT, chúng tôi mong được sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo, của các Hiệp hội đồng nghiệp".
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói rằng, mùa xuân là mùa giao hoà và ai ai cũng hy vọng có được dịp hội ngộ để truyền cho nhau khát vọng và năng lượng giữa các thế hệ.
Ông nhận định: "Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu số quốc gia, đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, là công bố và xây dựng dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, là an toàn dữ liệu, là xây dựng trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu quốc gia, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới là khác biệt quan trọng nhất của chuyển đổi số".
Theo Bộ trưởng Hùng, các công ty công nghệ lớn thì đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toàn to. Họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Như ứng dụng ChatGPT đã trả lời các câu hỏi của con người, tuy nhiên chỉ đạt mức trung bình khác. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu theo từng lĩnh vực chuyên môn khi mà lĩnh vực xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy thì chất lượng cá thể hoá phù hợp với trình độ của chúng ta, thị trường này là rất phong phú.
Cuối cùng, ông mong muốn ngành CNTT-TT gồm Hội Tin học Việt Nam, các hội, doanh nghiệp và người dân cùng nhau hướng tới xây dựng một Việt Nam tự lực, tự cường, thịnh vượng trên không gian mạng và bảo vệ được sự thịnh vượng đó trên không gian mạng.
Nhân dịp Gặp gỡ ICT đầu Xuân Quý Mão, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC đã có đôi lời chia sẻ và truyền tải quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp CNTT tới khách mời tham dự. Ông hy vọng tất cả các giá trị công nghệ sẽ xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no hơn.
Tại buổi gặp, Ban tổ chức đã thay mặt các Hội, Hiệp hội trao tặng hoa tri ân cho ông Bùi Mạnh Hải - nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam, ông Hoàng Văn Huây - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Chương trình Gặp gỡ ICT 2023 Xuân Quý Mão do 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức: Hội Tin học Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tự động hoá Việt Nam, Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Hiệp Hội An toàn Thông tin Việt Nam, Hội Thể thao và Giải trí điện tử Việt Nam.
Hội Tin học Y Tế, CLB Phần mềm tự do nguồn mà Việt Nam, CLB Các khoa - Viện - Trường CNTT-TT Việt Nam, CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói Việt. CLB Olympic Tin học Việt Nam, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội, Hội Tin học TP.HCM, Hội Tin học Đà Nẵng, Hiệp hội BlockChain Việt Nam.
Các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình gồm:
Nhà tài trợ Vàng: Tập đoàn công nghệ CMC.
Nhà tài trợ Bạc: Công ty Cổ phần FPT; Công Ty TNHH Công Nghệ Tiktok Việt Nam.
Nhà tài trợ Đông: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Công ty Cổ phần Phần mềm Bravo.
Cùng các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Hanel; Công ty Cổ phần Misa; Công ty Cổ phần HTC-Viễn thông Quốc tế; Công ty TNHH Máy tính Nét; Công ty TNHH Tích hợp Thông minh; Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân; Công ty Cổ phần Công nghệ Viindoo.
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.