Gặp gỡ, kết nối “Du lịch và Công nghệ thông tin” giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ với tỉnh Đồng Tháp
Chiều 28/6, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức phiên gặp gỡ, kết nối "Du lịch và Công nghệ thông tin" giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ với tỉnh Đồng Tháp.
Sự kiện nhằm góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ nói chung, Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp nói riêng; quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, hình ảnh địa phương, để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư phát triển du lịch và CNTT cho các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với các đối tác Ấn Độ trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Lê Quang Biểu cho biết, Đồng Tháp là tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL, diện tích 3.383,85 km2, dân số 1.601.306 người. Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu mang nhiều phù sa, bồi đắp cho những vườn cây trĩu quả bốn mùa và những cánh đồng bát ngát, nơi đây được xem là "vựa lúa của khu vực ĐBSCL.
Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn. Ẩm thực đặc sắc với các món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, đặc biệt có 200 món ăn sen… cùng với nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hoà…
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin thêm, Đồng Tháp có nhiều tài nguyên du lịch tiêu biểu như: Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông là khu đất ngập nước có diện tích 7.313 ha, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Tràm Chim là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và 2000 của thế giới. Nơi đây là điểm hẹn cho du khách thích trở về với thiên nhiên, cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng và được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ vì nó bao gồm đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước.
Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, là vùng đất điển hình của hệ sinh thái và là lá phổi xanh của vùng Đồng Tháp Mười, tạo nơi cư ngụ và sinh sống của nhiều loài chim, cá và thực vật sinh sôi, nảy nở, với diện tích 1.670ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh với những bưng, trấp, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo… và sân chim hơn 36ha, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là loài nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ.
Bên cạnh đó, du lịch văn hoá - lịch sử là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh… Đồng thời, Đồng Tháp cũng là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn... là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Hiện nay Đồng Tháp đã có 72 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, giai đoạn 2017 - 2022, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ trên 14,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 5.700 tỷ đồng…
Thông tin thêm tại Hội nghị, ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đánh giá, chuyển đổi số là một hành trình tích hợp các công nghệ số thông qua các nền tảng số một cách liên tục để cung cấp giá trị cho khách hàng/người dùng với việc tái cấu trúc các mô hình hoạt động, các quy trình kinh doanh liên quan đến đổi mới kỹ thuật số quy mô lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp đang thay đổi mô hình kinh doanh của mình để nắm bắt các cơ hội mới và các nhà lãnh đạo đang mong muốn tạo sự đột phá toàn bộ thị trường bằng cách áp dụng công nghệ, dẫn đến phần còn lại của thị trường phải thay đổi để theo kịp hoặc bị nuốt chửng.
Chuyển đổi số trở thành vấn đề thời sự, có tầm quan trọng lớn đối với tất cả các tổ chức, các công ty trong mọi lĩnh vực. Nó có vai trò chính làm tăng hấp lực thị trường của tổ chức, thay đổi trải nghiệm và mối quan hệ khách hàng/người dùng, tối ưu hoá quy trình nội bộ và cách tạo ra giá trị thông qua việc thúc đẩy các cơ hội tiếp cận các yếu tố tạo nên hấp lực của tổ chức đối với khách hàng một cách dễ dàng hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn.
Thông qua sức mạnh của các nền tảng số, việc sử dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo, tác động của chuyển đổi số lan tỏa khắp tổ chức, phá vỡ các rào cản chung tồn tại trong các khâu bán hàng, tiếp thị, sản xuất và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, phần lớn các sáng kiến vẫn còn nhiều khó khăn, trắc trở. Tại sao nó rất khó để thành công? Chủ yếu là do Chuyển đổi số thường được xác định kém và luôn liên quan đến nhiều thứ hơn là dữ liệu và quy trình. Nhiệm vụ và chiến lược chuyển đổi số là cần thiết để giải quyết những bất cập; loại bỏ các rào cản; cải thiện sự cạnh tranh giữa các công ty, cung cấp khả năng truy cập Internet tốc độ cao và đáng tin cậy với chi phí thấp cho các nhóm yếu thế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các khu vực có cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số kém, cải thiện khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng mạng và quản lý rủi ro và quyền riêng tư trên mạng, phát triển cơ sở hạ tầng cho đào tạo và phát triển học tập suốt đời cơ sở nâng cao kỹ năng của người làm CNTT; đảm bảo tính mở trên Internet và các luồng dữ liệu xuyên biên giới tự do; loại bỏ các hạn chế về khả năng tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp…
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.