GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%
Theo Cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Theo Báo cáo cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 vừa được Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố sáng nay (5/7), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.
Đặc biệt, GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.

Ảnh minh họa: Internet
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 7,42% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,21%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025, đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Ngành xây dựng tăng 9,62%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025, đóng góp 0,63 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,53%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.
Cùng với đó, một số ngành dịch vụ công cũng có mức tăng khá cao để thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá, phục vụ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của đất nước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,58%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc tăng 13,09%.
Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2024 là 11,49%; 37,0%; 42,98%; 8,53%).
Về sử dụng GDP sáu tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, nhìn nhận kinh tế - xã hội quý II và nửa đầu năm 2025 đạt được kết quả "rất tích cực". Các chỉ số này tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
Song nửa cuối năm, nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bà cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn.
Đại diện cơ quan thống kê khuyến nghị các ngành, các cấp tăng cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Huyền My (t/h)
Theo Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5 và mới được công bố của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), quý I năm nay du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế cao thứ 6 thế giới và đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng 30% so với cùng kỳ 2024.