GDP phải tăng 8,42% trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu cả năm
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng cuối năm phải đạt 8,42% thì mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay mới đạt được, theo tính toán của Cục Thống kê (Bộ Tài chính).
Cục Thống kê cho biết, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% là mức xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều hành cập nhật ở quý I vừa qua.
Cụ thể, tại kỳ báo cáo kinh tế-xã hội quý I/2025, sau khi có kết quả ước tính quý I và đánh giá các dư địa cho tăng trưởng các quý tiếp theo, cơ quan này đã cập nhật kịch bản tăng trưởng theo mục tiêu 8%.
Theo đó, GDP quý I tăng 6,93%, quý II tăng 8,19%, 6 tháng đầu năm tăng 7,58%, quý III tăng 8,27%, quý IV tăng 8,46%.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Cục Thống kê cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52% đã xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý I. Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng cuối năm có nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà Hương phân tích, đơn cử như đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng…
Thêm vào đó, bà Hương cho rằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, mang vai trò chiến lược. Sự bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Động lực tăng trưởng tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Song song với đó, các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với chính sách tiền tệ, việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.
“Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8% (trong đó Quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%)” - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) thông tin.
Huyền My (t/h)
Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành da giày Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 14 tỷ USD. Trong đó, giày dép chiếm khoảng 12 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ; các sản phẩm túi xách, vali, ô dù đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 11,6%.