GDP quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ

Đầu tư và Tiếp thị
09:53 AM 29/09/2023

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 của Việt Nam ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2011-2023, mức tăng này tuy chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2020-2021 nhưng vẫn thể hiện được đà phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Trong quý III năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.

Tăng trưởng kinh tế GDP quý III/2023 tăng 5,33% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về sử dụng GDP quý III/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.


Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.

Theo Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng trưởng này, khả năng GDP đạt khoảng 6% như nhiều dự báo trước đó là rất khó đạt được. 

Chia sẻ với báo chí, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, gần 3/4 chặng đường đã đi qua cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay rất khó đạt được mục tiêu trên 6%, đặc biệt trong những tháng còn lại của năm nay, môi trường kinh tế quốc tế và trong nước còn nhiều trở ngại lớn. Đà tăng trưởng thấp của năm nay và những khó khăn kinh tế chưa được giải quyết sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho năm 2024”.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam chịu tác động lớn từ sự trì trệ của kinh tế thế giới nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt mức 5 - 5,5% trong năm nay, khoảng 6% năm 2024 và vươn lên mức 6,5% năm 2025. Dù vậy, nếu phát huy tốt các động lực cốt lõi như đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng, tiêu dùng trong nước thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức cao hơn.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn trong thực thi để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Cần xem xét lại việc thực hiện các chính sách thúc đẩy kinh tế từ đầu năm đến nay, đặc biệt là những giải pháp kích cầu trong nước, hỗ trợ phát triển thị trường nước ngoài. 

Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện trong năm 2023, sang năm 2024, cần nắm bắt tốt hơn các cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường xuất khẩu, có giải pháp hiệu quả hơn giải quyết các vướng mắc trên thị trường bất động sản. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt thúc đẩy đầu tư tư nhân vốn chỉ tăng được dưới 2% tính từ đầu năm đến nay. Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, với các nền kinh tế đang phát triển, thêm 10% đầu tư tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 0,12 điểm %.

Mặt khác, để vượt qua những trở ngại của năm nay và hóa giải thách thức tăng trưởng cho năm sau, công tác phối hợp chính sách cần thực hiện hiệu quả để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế, vốn bị chậm thời gian qua, cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá lúa, gạo xuất khẩu đang ở mức thấp nhất trong hai năm qua Giá lúa, gạo xuất khẩu đang ở mức thấp nhất trong hai năm qua

Trước tình hình giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu đang ở mức thấp nhất 2 năm qua, Bộ Công thương đã đề xuất loạt giải pháp, trong đó có việc kêu gọi ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ.