Ghé làng Đào Thục khám phá nghệ thuật múa rối nước độc đáo
Tạm gác lại áp lực công việc và học tập, nếu tuần này bạn đang chưa biết nên đi đâu thì hãy lên kế hoạch đến Làng Đào Thục. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nghề làm mộc mà còn thu hút du khách trong nước và quốc tế bởi nét văn hoá đặc trưng nghệ thuật múa rối nước dân gian.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25km, làng nghề múa rối nước Đào Thục nằm tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xung quanh nơi đây được bao phủ bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn, tươi mát. Đây là nơi gìn giữ văn hoá cổ truyền dân gian rối nước của dân tộc Việt Nam đã tồn tại 300 năm tuổi.
Để đến được làng Đào Thục, khách du lịch có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Có hai hướng đi: Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển đến phía cầu Chương Dương. Đi thẳng hết đường Nguyễn Văn Cừ đến Ngô Gia Tự. Đến phía cầu Đuống thì rẽ trái theo hướng Quốc lộ 3 khoảng 20km tới cầu Phủ Lỗ, men theo triền đê sông Cà Lồ đến thị trấn Đông Anh, rẽ phải đi khoảng 10km là đến. Hoặc từ trung tâm thành phố bạn di chuyển về phía Võ Chí Công. Qua cầu Nhật Tân thì rẽ vào phía đường Lê Hữu Tựu. Từ đây tiếp tục đi thẳng theo dọc bờ đê sông Cà Lồ là đến.
Nếu chọn di chuyển bằng xe buýt, từ trung tâm thành phố bạn có thể bắt các tuyến xe số 17, 59, 54, 43. Sau đó chuyển sang xe 65 để sang phía địa phận Thụy Lâm - Trung Mầu. Sau khi xe dừng ở bến Thụy Lâm thì bạn đi bộ thêm khoảng 2km sẽ đến làng Đào Thục.
Phường múa rối nước dân gian Đào Thục (Làng Đào Thục bây giờ) ra đời từ thế kỷ 18, vào đời Vua Lê Dụ Tông (1706 - 1729). Nghệ thuật múa rối nước nơi đây là sự kết tinh từ cuộc sống sinh hoạt và lao động của người nông dân, gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật truyền thống này đã có chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa của người Việt.
Những con rối thường cao khoảng 30 cm – 40 cm, được làm bằng gỗ và sơn một lớp bên ngoài để chống thấm nước. Mỗi con rối đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian của Việt Nam.
Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, có thể kể đến như: Tễu bắt ác; Đánh cáo bắt vịt; Lên võng xuống ngựa…
Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn. Những nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục là những người nông dân, những người thợ thủ công... mang trong mình đam mê với môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Trải qua nhiều thăng trầm, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của huyện Đông Anh.
Ghé tới đây, du khách sẽ được tham quan buồng trò - nơi những người múa rối đứng phía sau tấm rèm để điều khiển. Đặc biệt, bạn còn được tận tay mình trải nghiệm tập điều khiển hay làm con rối.
Tại làng nghề này còn có những gian hàng bày bán những món đồ lưu niệm thủ công. Bạn sẽ bắt gặp một vài món đồ như quân rối được làm bằng gỗ. Hay những gốc tre được điêu khắc thành những hình thù nghệ thuật. Ngoài ra, ở làng nghề này còn thường xuyên tổ chức những buổi ca hát văn nghệ. Du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca. Hay những câu hát giao duyên đậm chất truyền thống được biểu diễn bởi chính những người dân ở làng Đào Thục.
Để đáp lại những tình cảm chân tình mà khán giả dành cho, phường rối nước Đào Thục đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra những tiết mục mới lạ, thú vị, đặc sắc và hấp dẫn hơn. Cũng vì thế mà phường rối Đào Thục đã mở rộng liên kết với nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa... để đưa du khách về làng xem biểu diễn rối nước.
Nếu bạn đi theo nhóm từ 3-4 người thì sẽ "tips" cho nghệ nhân khoảng 90.000đ - 100.000đ. Còn nếu đi theo đoàn khách đông thì mỗi nghệ nhân sẽ nhận được khoảng 200.000đ - 300.000đ. Đường vào làng có khá nhiều những cửa hàng dịch vụ cho du khách tham quan. Nếu muốn tìm hiểu quá trình khắc những con rối bạn cũng phải liên hệ trước để được hướng dẫn nhé.
Hàng năm, làng Đào Thục có 3 lễ hội chính, trên mặt nước Thủy đình của làng, những chú rối thỏa mình phô diễn hòa vui: Ngày 10 tháng Giêng (ngày Tết lại của làng); 24/2 (âm lịch - ngày Giỗ cụ tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh); 13/11 (âm lịch - lễ hội vào Đám).
Trải qua hàng trăm năm phát triển, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề rối nước như một báu vật của làng. Nhiều gia đình, dòng họ trong làng đã có 5 đời giữ nghề rối nước. Hết thế hệ trước đến thế hệ sau, họ truyền cho nhau bí quyết của nghề. Để gắn bó được với nghề, họ cùng nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ những vui buồn trong nghề, cùng nhau đổi mới để phù hợp với sự chuyển mình của thời đại.
An MaiSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.