Ghé thăm làng So - ngôi làng "nổi tiếng xứ Đoài"
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 20km, làng So (xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) nổi tiếng bởi hai “đặc sản”: Đình và miến.
Làng So nức tiếng với miến dong, đặc sản OCOP 4 sao
Làng So còn có tên là Sơn Lộ. Ngoài nghề nông, dân làng còn có nghề truyền thống làm miến dong.
Theo các cụ cao niên trong làng và dựa trên nguồn sử liệu được lưu giữ trong đình, nghề làm bún gạo (tiền thân của miến dong) đã xuất hiện ở làng So hơn 10 thế kỷ trước, gắn với câu chuyện dân làng So làm lễ tiễn Đinh Bộ Lĩnh và 300 tráng đinh lên đường dẹp loạn 12 xứ quân. Từ xa xưa, người dân nơi đây lưu truyền câu ca: “Cỗ yến thiếu miến làng So”, ý nói mâm cỗ dù có nhiều món ngon đến đâu cũng không thể thiếu miến làng So. Điều này cho thấy miến làng So đã nức tiếng về độ thơm ngon.
Miến dong làng So được làm từ nguyên liệu 100% bột củ dong riềng nguyên chất, nổi tiếng với sợi miến thơm ngon và dai mềm. Miến làng So có hương vị khác biệt so với các nơi khác nhờ được làm hoàn toàn từ củ cây dong riềng mọc nhiều ở khu vực ven bờ bãi sông Đáy. Cùng với đó là nguồn nước ngọt được thẩm thấu từ mạch nước ngầm qua lớp đá ong giúp miến có độ trắng, trong.
Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, các hộ dân làng So đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm miến. Cho dù có những cải tiến nhất định nhưng người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông, để nghề truyền thống không bị mai một và phát triển trong đời sống hiện đại.
Ở làng So hiện có 2 loại miến, miến trắng tinh với miến màu hơi nâu, miến trắng tinh thì phải đánh bột nhiều lần để loại bỏ hết chất nhựa từ củ dong ra thì sẽ làm được miến trắng tinh. Nhưng ở làng So chủ yếu làm miến nâu vì khi còn chất nhựa của củ dong giúp miến sẽ ngon, thơm và dai giòn hơn, hơn nữa khách hàng cũng yêu thích miền nâu hơn.
Miến dong làng So được sản xuất quanh năm, tuy nhiên từ tháng 9 đến tháng 12 được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết nên số lượng cao hơn bình thường. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường và giảm bớt sức lao động các hộ gia đình đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao, trung bình mỗi ngày thu được 3000-4000kg miến/ngày.
Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ. Năm 2020, sản phẩm miến làng So được UBND TP. Hà Nội chính thức công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Sản phẩm miến dong làng So những năm qua thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm lớn của ngành nông nghiệp và ngành công thương. Miến làng So đã có mặt trên các tỉnh thành cả nước, thậm chí khách hàng tại thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu (Đức) đón nhận nhiệt tình.
Uy tín chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy đánh giá cao. Đây là tín hiệu vui và là động lực để người dân làng So tiếp tục phát huy giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu truyền thống của quê hương. Nhiều du khách gần xa trên khắp mọi miền tổ quốc cũng tìm về đây để thưởng thức được hương vị thơm ngon đặc trưng này.
Việc sản xuất nghề truyền thống miến dong So không chỉ là giúp gìn giữ làng nghề truyền thống mà thêm vào đó, đây còn là công việc giúp hàng trăm bà con nơi đây có việc làm, trang trải cho cuộc sống.
"Đẹp đình So, to đình Cấn"
Làng So không chỉ nổi tiếng với miến dong mà còn là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng đẹp nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Đình So thờ ba anh em họ Cao đã có công phù giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân và đã trở thành những vị thần linh thiêng của làng.
Từ trên đê sông Đáy "cong cong như một dải lụa đào" đã thấy đình So "hoành tráng và uy nghi" soi bóng trên mặt hồ bán nguyệt.
Đình So được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngày xưa.
Đình nằm trên thế đất hình con rùa theo thế gối sơn đạp thủy. Đình So được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, quy mô lớn. Sự hòa quyện giữa hai yếu tố di tích và không gian cảnh quan tạo nên nét riêng khác cho di tích Đình So. Kết cấu kiến trúc ngôi đình chủ yếu bằng chất liệu gỗ và xen vào đó có cả chất liệu đá, hệ mái làm theo phong cách truyền thống toàn bộ bằng ngói mũi hài. Tất cả các cấu thành đó tạo nên quần thể kiến trúc tín ngưỡng khá hoàn chỉnh và độc đáo của di tích. Trang trí mỹ thuật của đình So khá phong phú và đa dạng với những mảng chạm có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao.
Trải qua 4 lần tu sửa và những thăng trầm của lịch sử, đây là ngôi đình có kiến trúc đẹp mẫu mực hiếm hoi duy nhất còn sót lại của miền đất “xứ Đoài mây trắng” đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, tạo được sự tổng thể và thống nhất tạo nên một công trình bề thế về không gian và giá trị về thẩm mỹ của đình So nói riêng và cho các ngôi đình Việt Nam nói chung.
Với những giá trị về lịch sử xây dựng, nhân vật lịch sử được thờ tự, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, giá trị khoa học của ngôi đình làng nơi đây, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đình So.
Đình làng So một năm có ba lễ lớn. Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch. Lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm. Trong đình cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa và những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội.
Du khách có thể đến đây theo đại lộ Thăng Long rồi rẽ vào xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Đặc biệt, du khách đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử cũng như kiến trúc của đình So được yêu cầu không chụp ảnh bên trong đình.
Minh AnDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.