Ghi nhận kết quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội

Địa phương
11:26 AM 27/11/2023

Hà Nội được Chính phủ chọn là địa phương làm điểm, làm mẫu, nhân rộng toàn quốc trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP). Sau gần 02 năm triển khai, đến nay, người dân trên địa bàn Thủ đô không còn xa lạ với các tiện ích mà Đề án 06/CP mang lại.

Ghi nhận kết quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội- Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và hồ sơ cấp tài khoản định điện tử cho người dân.

Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử được đa số người dân biết rõ và trực tiếp trải nghiệm các thuận lợi trong quá trình giao dịch và thực hiện các thủ tục hành chính. Các tiện ích về các dịch vụ công thiết yếu trong các lĩnh vực khác nhau vừa giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại trong quá trình thực hiện, vừa giúp các cơ quan nhà nước quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Để có được những thành quả ấy, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các cấp và đặc biệt là lực lượng Công an Thủ đô. Trong đó, không thể không nhắc tới lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về Trật tự xã hội (TTXH) Công an Thủ đô - những người chiến sỹ thầm lặng, không quản ngày đêm thực hiện các chỉ tiêu công tác.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, UBND Thành phố và Công an Thành phố, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong thực hiện 02 Dự án chưa từng có tiền lệ, đó là Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân và Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là 02 dự án tiền đề để triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong toàn quốc.

Đến năm 2022, xác định được việc khai thác, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án số 06/CP.

Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực tham mưu Tổ công tác 06 Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ nhằm cung cấp 05 nhóm tiện ích cơ bản phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động điều hành, quản lý của cơ quan Nhà nước.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố, Công an TP Hà Nội vừa đóng vai trò "cơ quan thường trực" vừa là "đơn vị tiên phong" đi đầu thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Với lực lượng nòng cốt là Cảnh sát QLHC về TTXH, vừa giữ vai trò thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ được giao, vừa là lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn toàn Thành phố.

Ghi nhận kết quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội- Ảnh 2.

Triển khai các tổ lưu động để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân trên toàn thành phố.

Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu Công an thành phố, tham mưu HĐND, UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 và hoàn thành các chỉ tiêu về làm sạch dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", cấp Căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công.

Đặc biệt là một số văn bản mang tính đột phá, sáng tạo như: Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Để thay đổi nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong Công an thành phố về triển khai thực hiện Đề án 06/CP và huy động tối đa lực lượng trong Công an thành phố thực hiện các chỉ tiêu Bộ Công an giao, đồng chí Giám đốc Công an thành phố đã ban hành Mệnh lệnh số 01 ngày 05/5/2023 để tập trung chỉ đạo để tập trung chỉ đạo toàn lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân.

Từ đó, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn TP Hà Nội, giải quyết triệt để chỉ tiêu làm sạch dữ liệu và cấp căn cước công dân đối với số nhân khẩu đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố nhưng hiện không có mặt và không rõ địa chỉ nơi đến, đảm bảo 100% người dân đủ điều kiện trên địa bàn Thành phố đều được cấp căn cước công dân, định danh điện tử.

Bên cạnh vai trò "thường trực", lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng là đơn vị "tiên phong" đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Đề án 06/CP. Cụ thể, đối với các chỉ tiêu về đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", cấp căn cước công dân, thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đến nay toàn Thành phố cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu mà Bộ Công an giao.

Trong đó, trên 7 triệu người dân được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, gần 6 triệu tài khoản định danh điện tử mức 1, 2 được thu nhận và kích hoạt. Các chỉ tiêu "làm sạch" dữ liệu cũng được lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện nhằm chuẩn hóa các dữ liệu ngành trên nền tảng dữ liệu dân cư là gốc, cụ thể là các dữ liệu về hộ tịch (2.834.730 trường hợp), đối tượng bảo trợ xã hội (194.600/201.731 trường hợp), dữ liệu trẻ em (1.724.324 trường hợp), dữ liệu người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (5.000 trường hợp), an sinh xã hội (8.346 trường hợp)...

Đối với công tác số hóa hồ sơ, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã hoàn thành số hóa hồ sơ tàng thư chứng minh nhân dân 9 số và cơ bản hoàn thành việc số hóa hồ sơ tàng thư cư trú theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Cục C06 - Bộ Công an, Công an thành phố đã tổ chức kiểm tra chất lượng cảnh sát khu vực (CSKV) năm 2023 đối với 2.948 đồng chí CSKV, cán bộ thực hiện công tác CSKV của 175 Công an phường, 383 xã, 21 thị trấn thuộc 30 quận huyện thị xã trên địa bàn toàn thành phố.

Đồng thời, tổ chức "Hội thi Nữ CSKV tài năng Công an thủ đô lần thứ nhất năm 2023" vào ngày 20/11/2023 để tôn vinh tài năng và đóng góp của lực lượng nữ CSKV Công an Thủ đô, qua đó đã tạo sự lan tỏa trong toàn lực lượng, tạo hình ảnh đẹp với nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, trong năm 2023 đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.000 CSKV, cán bộ làm công tác CSKV trên địa bàn Thành phố.

Việc xác định Dịch vụ công trực tuyến là mấu chốt của công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, là một trong 5 nhóm tiện ích cơ bản của Đề án 06/CP nhằm phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại trong việc thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các lợi ích từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà nền tảng là các ứng dụng phát triển từ cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Do đó, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp để người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận và sử dụng các Dịch vụ công trực tuyến.

Ghi nhận kết quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội- Ảnh 3.

Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức cấp căn cước công dân, định danh điện tử cho các giám mục, linh mục, nữ tu, chủng sinh, tu sinh tại Toà Tổng giám mục Hà Nội.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH hiện đang thực hiện 108 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong các lĩnh vực cư trú, căn cước công dân, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và con dấu, giao thông trật tự, phòng cháy chữa cháy và 02 nhóm dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí".

Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ trên, trong quá trình thực hiện, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng thường xuyên lấy ý kiến cán bộ, người dân trong quá trình đăng ký, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để tìm ra các vướng mắc cần điều chỉnh và tham mưu cấp có thẩm quyền chỉnh sửa. Đồng thời, phối hợp Bưu điện TP Hà Nội tổ chức tập huấn nhân viên bưu điện về các dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trên tại các điểm tiếp nhận của bưu điện.

Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô cũng đã phối hợp với Thành đoàn, Đoàn Thành niên Công an thành phố tổ chức nhiều tổ xung kích hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các tổ cấp căn cước công dân lưu động; các tổ công tác hướng dẫn cơ sở lưu trú sử dụng tài khoản VNeID và phần mềm ASM để thực hiện thông báo lưu trú.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô đã tham mưu UBND cùng cấp triển khai sáng tạo, linh hoạt các mô hình về dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, tiêu biểu như Hoài Đức với mô hình "Tổ hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn xã"; Cầu Giấy ra mắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi đáp TTHC; Ba Đình với mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà"; Hoàng Mai với mô hình "Ứng dụng QR code trong việc nộp hồ sơ trực tuyến"….

Là thành viên của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thành phố, Công an Thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tích cực phát huy vai trò trên thông qua công tác phối hợp các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố, trong đó không thể kể đến việc phối hợp Sở Tư pháp triển khai thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch (đã hoàn thành thí điểm và triển khai toàn Thành phố), phối hợp Sở Y tế triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử (đang trong giai đoạn thực hiện),… đây đều là các nhiệm vụ quan trọng, có tính "then chốt" trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội.

Với các nỗ lực trên đây, đến nay, về cơ bản lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu Công an thành phố, UBND Thành phố thực hiện đúng, đủ, kịp thời các nhiệm vụ về thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Thành phố và được lãnh đạo các cấp ghi nhận về sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là "lá cờ đầu" trong Công an thành phố về thực hiện công tác trên.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Đến 15/6, cơ sở mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử sẽ bị thu hồi giấy phép Đến 15/6, cơ sở mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử sẽ bị thu hồi giấy phép

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.