Giá cà phê Arabica ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 5 tháng

Thị trường tiêu dùng
11:17 AM 30/01/2023

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đáng chú ý nhất trong tuần qua là đà tăng gần 10% của mặt hàng cà phê Arabica và cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của nguyên liệu này trong vòng 5 tháng qua.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam thống kê, kết thúc tuần giao dịch ngày 23/1 – 29/1, thị trường hàng hoá ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều. Mặc dù trải qua tuần nghỉ Lễ Tết Nguyên Đán, song dòng tiền tới thị trường vẫn tăng nhẹ so với tuần trước đó, với giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 3.700 tỷ đồng mỗi phiên.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, các biến số kinh tế vĩ mô trong quý IV/2022 của Mỹ như tốc độ tăng trưởng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với dự đoán của chuyên gia, đưa đến kỳ vọng về nhu cầu của nước tiêu thụ Arabica lớn nhất thế giới sẽ trở nên tích cực hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng.

Giá cà phê Arabica ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 5 tháng - Ảnh 1.

Tuần qua là đà tăng gần 10% của mặt hàng cà phê Arabica và cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của nguyên liệu này trong vòng 5 tháng qua. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US bất ngờ quay đầu giảm mạnh 24.947 bao loại 60kg vào phiên cuối tuần, lớn hơn mức tăng trong cả tuần đó cũng góp phần giúp lực bán chiếm ưu thế và thúc đẩy cho đà tăng mạnh của mặt hàng này.

Với mức tăng 5,61%, Robusta đã nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức 2.053 USD/tấn, mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Lực bán suy yếu khi nông dân tại Việt Nam, nước cung ứng lớn nhất ở thời điểm hiện tại nghỉ Lễ Tết nguyên đán cùng với tồn kho Robusta đạt chuẩn trên Sở ICE UK tiếp tục giảm dù đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm là những nhân tố giúp giá duy trì được sự khởi sắc trước đó.

Giá cà phê Arabica ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 5 tháng - Ảnh 2.

Giá giao dịch nguyên liệu công nghiệp trong tuần qua. Ảnh: MXV

Tuần qua, toàn bộ các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, Arabica có phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng gần 10% nhờ hỗ trợ từ nhu cầu có dấu hiệu tích cực.

Ở một diễn biến khác, giá đường 11 có tuần bật tăng mạnh với 6,29% trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại các nước cung ứng chính. Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới quyết định tăng giá nhiên liệu, phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol. Điều này góp phần khiến sản lượng đường suy yếu và hỗ trợ cho giá.

Cùng với đó, tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới có thể sẽ không cho phép xuất khẩu thêm đường do nguồn cung bị hạn chế khi nhiều nhà máy phải đóng cửa sớm vì thiếu mía, cũng góp phần khiến giá đảo chiều tăng mạnh trong tuần qua.

Theo nhận định của MXV, trong tuần này, thị trường hàng hoá sẽ đối diện với hàng loạt các thông tin và sự kiện quan trọng, nhiều khả năng sẽ giúp một số mặt hàng thoát khỏi xu hướng đi ngang.

Các nhà đầu tư sẽ hướng tới tâm điểm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm ngày 1/2 sắp tới. Bức tranh lạm phát tại Mỹ đang cho thấy các tín hiệu hạ nhiệt lạc quan, và thị trường kỳ vọng Fed tăng lãi suất chậm lại với 25 điểm cơ bản trong kỳ họp lần này.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất vẫn sẽ là lãi suất sẽ tăng đến mức nào và bao nhiêu lâu. Trong trường hợp Fed phát đi các tín hiệu cho thấy mức đỉnh lãi suất không quá cao hơn kỳ vọng, lo ngại suy thoái giảm bớt có thể hỗ trợ cho giá hàng hoá, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại vốn nhạy cảm với biến động vĩ mô.

Ngoài ra, với sự trở lại của thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc sau kỳ nghỉ Lễ, niềm tin về các chính sách kích thích kinh tế hậu mở cửa, cùng kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc nhiều khả năng sẽ đem lại tín hiệu lạc quan cho thị trường hàng hoá trong tuần này.

Mai Phương
Ý kiến của bạn