Giá các loại nông sản thế giới tăng mạnh nhờ kỳ vọng Trung Quốc và Việt Nam tăng cường nhập khẩu

Thị trường
08:24 AM 22/11/2021

Đà tăng giá mạnh của các loại nông sản thế giới có xu hướng giảm nhiệt trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Giá đậu tương đang được hỗ trợ mạnh nhờ xu hướng tăng cường thu mua trở lại của Trung Quốc. Trong khi đó, giá ngô được nâng đỡ phần nào nhờ Việt Nam vừa điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ngô.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 2,25 cents xuống mức 5,73 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Giá đậu tương giao tháng 1/2022 giảm tới 11,75 cents còn 12,65 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 12/2021 cũng giảm 2,25 cents xuống 8,20 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).

Tuy nhiên, tính chung cả tuần giao dịch (15/11 – 21/11), giá ngô đã tăng 4%, giá đậu tương tăng mạnh 6,48% và giá lúa mì tăng 6,7%.

Đối với mặt hàng đậu tương, dữ liệu của Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho thấy, tính đến tuần kết thúc vào ngày 14/11, lượng tồn kho đậu tương của nước này tiếp tục giảm mạnh xuống còn 4,25 triệu tấn. CNGOIC đã nâng dự báo lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 11/2021 lên 8 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với mức dự báo gần nhất.

Giá các loại nông sản thế giới tăng mạnh nhờ kỳ vọng Trung Quốc và Việt Nam tăng cường nhập khẩu - Ảnh 1.

Lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trong những tháng vừa qua (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tại Hoa Kỳ, dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng ép dầu đậu tương tại nước này trong tháng 10/2021 đã tăng mạnh 20% so với hồi tháng 9/2021, lên mức 5 triệu tấn. Đây là mức cao kỷ lục thứ ba trong lịch sử ghi nhận. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hiện dự báo sản lượng ép dầu đậu tương của Hoa Kỳ trong niên vụ 2021/2022 có thể đạt 59,6 triệu tấn. Dữ liệu của USDA cũng cho thấy tồn kho dầu đậu tương tính đến cuối tháng 10/2021 của nước này đạt 832.000 tấn, tăng 9% so với hồi tháng 9 trước đó và cao hơn kỳ vọng của thị trường.

Giá khô đậu tương trên thị trường thế giới hiện đang bị đẩy lên cao do sự thiếu hụt của chất L-lysine – nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Thông thường, L-lysine được sử dụng thay thế cho khô đậu tương trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, sự thiếu hụt L-lysine và giá nguyên liệu này tăng vọt trong thời gian qua đã buộc nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân phải sử dụng nhiều khô đậu tương hơn. Dự kiến, tình trạng thiếu hụt L-lysine trên thị trường quốc tế sẽ còn kéo dài đến quý 1/2022.

Đối với mặt hàng ngô, giá ngô chịu tác động tiêu cực khi dữ liệu cho thấy Trung Quốc chỉ nhập 1,3 triệu tấn ngô trong tháng 10 vừa qua, giảm tới 63% so với hồi tháng 9/2021. Tuy nhiên, tính chung cả 10 tháng đầu năm nay, lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu đạt 26,2 triệu tấn ngô, tăng 236% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 về điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì giảm từ 3% xuống còn 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Điều này sẽ kích thích việc nhập khẩu ngô Hoa Kỳ của Việt Nam.

Anh Sa
Ý kiến của bạn