Giá cao su thế giới đột ngột lao dốc xuống "đáy" 2 tháng
Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản - tham chiếu cho thị trường toàn Châu Á - sáng nay 9/4 giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng do lo ngại về việc số ca nhiễm Covid-19 tái bùng phát trở lại ở Nhật Bản và nhiều nước Châu Á khác.
Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka trưa nay (9/4) giảm 4,2 JPY (1,7%) xuống 240,5 yen (2,2 USD)/kg, trước đó lúc đầu giờ sáng giá chạm mức thấp nhất kể từ 15/2, là 238,4 JPY/kg.
Tính chung cả tuần này, giá cao su trên sàn Osaka giảm hơn 4%.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su hôm nay cũng giảm, với hợp đòng kỳ hạn tháng 9 giảm 160 CNY xuống 13.965 CNY (2.132 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 5 giảm 0,1% xuống 164,6 US cent/kg.
Nhật Bản phải đặt Tokyo trong tình trạng "gần như khẩn cấp" mới kéo dài một tháng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh chỉ 1 tháng sau khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, và trong khi Thế vận hội Olympic mùa Hè sắp đến gần.
Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm coronavirus gia tăng, làm giảm hy vọng vào sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ của khu vực sau đại dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát trở lại đè nặng lên tâm lý thị trường cao su.
Trong khi đó, nguồn cung cao su thế giới năm 2021 có dấu hiệu tăng do sản lượng cao su tự nhiên của Bờ Biển Ngà dự kiến đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2021, tăng gần 16% so với khoảng 950.000 tấn của năm trước.
Giá cao su physical giao ngay tại các nước sản xuất hôm nay cũng đồng loạt giảm so với hôm qua, mặc dù tính chung cả tuần có tăng chút ít.
Tại Việt Nam, giá mủ cao su tại khu vực Đông Nam Bộ được các thương lái thu mua dao động quanh mức 315 - 325 đồng/độ mủ, giảm 5 - 15 đồng/độ mủ so với cuối tháng 3 và giảm 5 đồng/độ mủ so với cuối tháng 2/2021.
Theo đó, giá mủ cao su tại Lộc Ninh (Bình Phước) khoảng 315 – 325 đồng/độ mủ; giá mủ cao su Phú Riềng – Bình Phước dao động từ 315 – 325 đồng/ độ mủ; giá mủ cao su Đồng Phú – Bình Phước đạt 315 – 325 đồng/ độ mủ.
Xuất khẩu cao su thiên nhiên từ đầu năm đến nay tăng khá mạnh nhờ nhu cầu cao từ khách hàng Trung Quốc trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng kéo giá cao su tổng hợp - cạnh tranh với cao su thiên nhiên - tăng theo. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc đạt 1,08 triệu tấn, trị giá 18,08 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 435 nghìn tấn, trị giá 722 triệu USD, tăng 89,7% về lượng và tăng 116,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 99,45% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước.
Riêng trong tháng 3, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 140 nghìn tấn, trị giá 243 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 40,3% về trị giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 tăng 130,7% về lượng và tăng 178,5% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 5% so với tháng 2/2021 và tăng 20,7% so với tháng 3/2020, lên mức 1.736 USD/tấn.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất khẩu cao su tự nhiên (ANRPC), mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 2/2021 ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng tới 47,5% so với tháng 2/2020. Hãng sản xuất cao su Thái Lan, Sri Trang (SET), dự báo nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020, phần lớn do Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mẽ.
Tham khảo: Reuters
Vân ChiSáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.