Giá dầu Brent đạt đỉnh 2 năm do triển vọng nhu cầu mạnh mẽ khi vào Hè
Giá dầu đã tăng 6 phiên liên tiếp để có thành quả là giá đã tăng trong tuần này, tháng này và cả năm nay. Nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng ‘khẩu vị” sang những tài sản có đội rủi ro cao, như dầu mỏ.
Theo đó, phiên cuối tuần (28/5) kết thúc với việc giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu – đã chạm mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 2 năm qua do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu trên toàn cầu sẽ hồi phục, nhất là ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, át đi những lo ngại về việc nguồn cung cũng sẽ tăng sau khi Iran được dỡ bỏ những lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt trước đây.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 17 US cent, tương đương 0,2%, lên 69,63 USD/thùng, là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên này giảm 53 US cent, tương đương 0,79%, xuống 66,32 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, 2 loại dầu đều tăng giá khoảng 5%.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank cho biết: "Mức giá 70 USD là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với nhà đầu tư trên thị trường tài chính, được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế tích cực, sẽ giúp nhà đầu tư chuyển ‘khẩu vị" sang những tài sản có độ rủi ro cao". Ông nói: "Mối quan ngại về tác động từ đại dịch đến nhu cầu đang nhường chỗ cho sự lạc quan khi người tiêu dùng nhanh chóng quay trở lại với hoạt động bình thường."
Tính từ đầu năm đến nay, dầu Brent đã tăng giá khoảng 35%, dầu WTI tăng 37% trong khi xăng tăng giá khoảng 51%. Giá xăng tại Mỹ hiện trung bình khoảng 3,04 USD/gallon, đắt nhất kể từ 2014.
Những kỳ vọng rằng nền kinh tế mở cửa trở lại và người dân Mỹ và Châu Âu sẽ tăng cường đi du lịch – thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh – đã khiến nhà đầu tư tạm quên đi lo ngại về tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng ở Châu Á cũng như việc Iran sắp quay trở lại xuất khẩu dầu.
Dự kiến sẽ có hơn 34 triệu người Mỹ lái xe trên đường kể từ ngày 27 đến 31-5 này, là kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày, đánh dấu mùa lái xe mùa Hè đã bắt đầu.
"Triển vọng nhu cầu xăng dầu của Mỹ rất tích cực, với nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, trong khi chúng ta cũng sắp chính thức bước vào mùa lái xe mùa Hè, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu hơn nữa," chiến lược gia Warren Patterson và Wenyu Yao của ING hôm 28/5 cho biết.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ, nền kinh tế lớn và tiêu thụ dầu mỏ nhất thế giới, cũng hỗ trợ đắc lực cho giá dầu tăng khi số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tuần qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm 2020, vượt xa mọi con số dự báo.
GDP của Mỹ quý 1/2021 tăng 6,4% (đã hiệu chỉnh trên cơ sở năm), báo hiệu nền kinh tế đang phát triển và sẽ là một năm bùng nổ. Giá tiêu dùng của nước này cũng tăng mạnh trong tháng 4 năm nay, lên tới 3,4% (so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/1992 ), và kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 này, với mức tăng khoảng 4,6%, vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là thước đo lạm phát của Mỹ và có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới.
"Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ đang cung cấp năng lượng cho đoàn tàu kinh tế và các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ", chuyên gia Mark Zandi của Moody’s Analytics cho biết.
Trong khi đó, GDP quý 1/2021 của Trung Quốc cũng tăng rất mạnh, tới 18,3%, là con số hết sức ấn tượng trong bức tranh kinh tế thế giới căng mình hồi phục.
"Nhu cầu xăng dầu ở nhiều khu vực hiện đã vượt qua mức năm 2019 ", các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một thông báo. Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak, hôm 26/5 cho biết, thâm hụt dầu toàn cầu hiện ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, triển vọng Iran sẽ tăng xuất khẩu dầu mỏ đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Bob Yawger, giám đốc mảng giao dịch năng lượng kỳ hạn tương lai của công ty Mizuho ở New York, cho biết: "Iran sẽ làm chậm đà tăng", và cho biết thêm rằng những người tham gia thị trường bước vào kỳ nghỉ dài cuối tuần với tâm lý thận trọng bởi nghĩ về khả năng sẽ có một thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc phương Tây, từ đó nguồn cung dầu ra thị trường sẽ tăng lên. Iran và các cường quốc thế giới đã đàm phán tại Vienna từ tháng 4 để tìm ra các giải pháp mà Tehran và Washington sẽ thực hiện để khôi phục Hiệp ước Hạt nhân Iran năm 2015 một cách đầy đủ.
Nhóm chiến lược của Saxo Bank nhận định: "Cho đến khi thị trường biết rõ ràng hơn về kết quả của các cuộc đàm phán Mỹ-Iran, thì khả năng đà tăng giá dầu vẫn bị hạn chế ở mức dưới 71,4 USD/thùng".
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng đang tăng lên. Theo đó, tổng sản lượng dầu thô của nước này tháng 3 vừa qua đã tăng lên 11,2 triệu thùng/ngày, hồi phục trở lại sau đợt giảm giá hồi tháng 2. Số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai của Mỹ, đã tăng trong 9 tháng liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích kỳ vọng OPEC sẽ tái khẳng định tại cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần tới về kế hoạch tạm hoãn việc nâng sản lượng dầu kể từ tháng 7 tới, dọn chỗ cho nguồn cung từ Iran tăng lên.
Mặc dù vậy, các nhà giao dịch và nhà phân tích vẫn tin tưởng giá dầu sẽ tăng lên. Đầu tuần vừa qua, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên mức dự báo giá dầu sẽ tăng lên 80 USD/thùng vào cuối năm nay, bất chấp khả năng dầu của Iran quay trở lại thị trường.
Tham khảo: Oilprice, Reuters, Bloomberg
Thu NgânKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.