Giá dầu Brent gần chạm 80 USD/thùng, quặng sắt vượt 700 nhân dân tệ/tấn

Thị trường
07:33 PM 27/09/2021

Giá dầu Brent sắp chạm 80 USD/thùng do tình trạng thiếu cung ngày càng nghiêm trọng. Giá sắt thép cũng đang hồi phục mạnh do Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản xuất để giảm tiêu thụ điện năng. Giá than tiếp tục ở mức cao kỷ lục do tác động từ lĩnh vực dầu và khí.

Giá DẦU tăng phiên thứ 5 liên tiếp, trong đó dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, gần chạm 80 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu tăng khắp nơi trên thế giới khi các nền kinh tế nới lỏng những hạn chế chống Covid-19.

Giá dầu Brent cuối chiều 27/9 tăng 1,15 USD, hay 1,5%, lên 79,24 USD/thùng, sau 3 tuần tăng liên tiếp. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,07 USD, tương đương 1,5%, lên 75,05 USD, gần cao nhất kể từ tháng 7, sau 5 tuần tăng liên tiếp.

Goldman Sachs đã nâng dự báo đối với giá dầu thô Brent thêm 10 USD vào cuối năm nay lên 90 USD/thùng, do nhu cầu nhiên liệu phục hồi mạnh mẽ sau sự bùng phát đại dịch Covid-19 bởi virus biến thể Delta và cơn bão Ida tấn công vào cơ sở sản xuất chính của Mỹ dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.

"Chúng tôi từ lâu đã giữ quan điểm giá dầu sắp tăng, thâm hụt cung dầu cầu toàn cầu hiện tại lớn hơn mức chúng tôi dự kiến. Đà hồi phục nhu cầu dầu toàn cầu sau tác động của virus biến thể Delta thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với dự kiến, trong khi nguồn cung tăng chậm hơn mức dự báo", Goldman cho biết.

Bị kìm hãm bởi nhu cầu phục hồi, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC , đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng do việc hạn chế đầu tư hoặc trì hoãn kéo dài việc bảo trì do đại dịch.

Chuyên gia Stephen Brennock của nhà môi giới dầu PVM cho biết: "Giá dầu được hỗ trợ do nguồn cung của Mỹ bị thắt chặt sau khi sản xuất ở Vịnh Mexico bị gián đoạn, khiến cho lượng tồn trữ của nước này sụt giảm mạnh". Theo ông, giá khí đốt tăng cao cũng gây lo ngại nhu cầu các nhiên liệu thay thế sẽ tăng theo, bao gồm cả dầu mỏ".

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ tháng 8 đạt mức cao nhất 3, phục hồi từ mức thấp nhất gần một năm chạm tới hồi tháng 7, khi các nhà máy lọc dầu ở nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới này tăng cường tích trữ dầu thô vì dự đoán nhu cầu sẽ tăng.

Trong khi đó, đợt bán dầu thô dự trữ quốc gia của Trung Quốc - lần đầu tiên công khai bán - hầu như không có tác dụng ngăn cản giá tăng, khi PetroChina và Hengli Petrochemical đã mua 4 chuyến hàng với tổng trị giá khoảng 4,43 triệu thùng.

Thị trường SẮT THÉP châu Á hôm nay cũng nóng lên. Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, tăng hơn 5% lên vượt mức chủ chốt 700 nhân dân tệ/tấn, trong khi thép thanh và thép cuộn cán nóng cũng tăng giữa bối cảnh sản xuất bị kiểm soát do thiếu điện.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên sáng 27/9 tăng 5,3% lên 715 nhân dân tệ (110,57 USD)/tấn, lúc kết thúc phiên giảm nhẹ xuống 703 nhân dân tệ, song vẫn tăng 3,5% so với phiên giao dịch liền trước. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt cũng tăng 1,7% lên 120,35 USD/tấn. Trong khi đó, quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (hàm lượng 62%) tăng 1 USD lên 113 USD/tấn, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.

Tỷ lệ sử dụng công suất của 247 lò cao tại các nhà máy thép trên khắp Trung Quốc tuần qua ở mức 82,06%, giảm so với mức 83,74% của tuần trước đó, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy.

Giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên 27/9 cũng tăng do chính sách hạn chế sản xuất ở các khu vực sản xuất thép chủ chốt để tiết kiệm điện. Chẳng hạn như tỉnh Giang Tô ở phía đông Trung Quốc - một trong những khu vực sản xuất thép cây lớn của nước này, trong tháng này đã tiến hành thanh tra các công ty có mức tiêu thụ năng lượng hàng năm vượt mức 50.000 tấn quy than.

Kết thúc phiên 27/9, giá thép cây dùng trong lĩnh vực xây dựng tăng 1,0% lên 5.564 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 0,6% lên mức 5.592 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá thép không gỉ giảm 4,3% xuống 20.415 nhân dân tệ/tấn.

Giá THAN phiên này giảm nhẹ, với than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,2% xuống 2.854 nhân dân tệ/tấn, trong khi than cốc giảm 3,4% xuống 3.174 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giá than khó có thể giảm lâu khi giá dầu và khí vẫn ở mức cao.

Thị trường than thế giới gần đây "nóng bỏng" do nhu cầu mạnh. Giá than nhiệt tại châu Âu đã tăng lên mức cao, vượt 180 USD/tấn do nguồn cung nguyên liệu hạn chế trong khi mùa đông đang đến gần. Chỉ số giá than tại Nam Phi cũng tăng lên trên 160 USD/tấn. Theo các chuyên gia, giá than từ Nam Phi sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021, do tuyến đường sắt nối các tỉnh khai thác than của Nam Phi với cảng Richards Bay gặp vấn đề. Tại Australia, giá than hiện đã tăng lên trên 185 USD/tấn, được hỗ trợ bởi các công ty phát điện có nhu cầu mạnh đối với than nhiệt của nước này trước khi mùa đông đến. Giá than Indonesia 5900 kcal/kg GAR tăng lên 140 USD/tấn, do nhu cầu tăng từ khách hàng mua Trung Quốc.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.