Giá dầu hôm nay 13/7: Giảm nhẹ do lo ngại dịch bệnh COVID-19 tăng cao
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm nhẹ khi những lo ngại về dịch COVID-19 ngày một lớn tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và đang diễn biến phức tạp tại châu Á.
Hôm nay, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 73,60 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 12/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2021 đã giảm 0,33 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 75,38 USD/thùng, tăng 0,22 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 0,19 USD so với cùng thời điểm ngày 12/7.
Những lo ngại về dịch COVID-19 tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và châu Á đã kéo giá dầu sụt giảm nhẹ. Theo trang thống kê thời gian thực Worldometers, dữ liệu được công bố sáng 13/7 (giờ Việt Nam) cho thấy, thế giới đã ghi nhận 188.019.818 ca nhiễm nCoV và 4.055.117 ca tử vong, tăng lần lượt 364.672 và 5.967, trong khi 171.970.179 người đã bình phục.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực giảm giá trước nguy cơ nguồn cung dầu trên thị trường sẽ bùng nổ khi các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ tăng sản lượng. Bên cạnh đó, chuyên gia Howie Lee từ Ngân hàng OCBC của Singapore nhận định, giá dầu sẽ vẫn bất ổn chừng nào bế tắc của OPEC+ chưa được tháo gỡ. Ông cho rằng dù mâu thuẫn này bề ngoài có vẻ sẽ có lợi cho giá dầu, nhưng nếu nó dẫn đến sự tan rã của OPEC, điều này sẽ kéo theo một cuộc chiến về giá tương tự như năm ngoái.
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ thực hiện chính sách nới lỏng đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, sự gia tăng căng thẳng trong các vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây cũng đặt triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước những rủi ro lớn.
An Mai (t/h)Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.